SG Ky Uc

Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của Vĩnh Long

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Vùng đất Vĩnh Long có một vị thế đặc biệt của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nằm ngay chính giữa hai nhánh sông chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, là nơi khởi nguồn của sông Cổ Chiên – một nhánh của Mekong.

Phía Bắc của Vĩnh Long giáp với Mỹ Tho, Đông giáp Bến Tre, phía Nam giáp với Trà Vinh và Cần Thơ, còn phía tây là tỉnh Sa Đéc xưa, nay thuộc Đồng Tháp. Từ tỉnh lỵ của Vĩnh Long đến Sài Gòn là khoảng cách 128km.

Tỉnh Vĩnh Long có 3 nguồn nước chính từ 3 con sông lớn đi qua, đó là sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, ngoài ra còn có vô số rạch và kinh đào xẻ ngang xẻ dọc khắp tỉnh. Những con rạch chính là Mang Thít, Sông Ngang, Long Hồ, Bà Kè, Vũng Liêm, Bà Phong, Cái Cá, Cái Cau. Sau khi Vĩnh Long là là thuộc địa của Pháp, chính quyền tỉnh đã cho đào nhiều con kinh để nối liền các con rạch với nhau, như là Kinh Cái Cau, kinh Chà Và, kinh Bocquet, kinh Ông Me, kinh Bưng Trường, Trà Ngoa, Huyên Thuyền… Những kinh rạch này đóng vai trò quan trọng trong việc tháo nước và dẫn nước để canh tác.

Về khí hậu của vùng đất Vĩnh Long xưa, trong cuốn chuyên khảo về tỉnh Vĩnh Long do hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1911 đã ghi lại như sau:

“…một năm có 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, theo các đợt gió mùa xen kẽ. Gió mùa Đông – Bắc, tương ứng với mùa khô, kéo dài từ tháng 11 đến tháng tư. Mùa mưa bắt đầu với gió mùa Tây – Nam vào tháng 5 và kết thúc vào giữa tháng 11. Nhiệt độ cao và thay đổi từ 20 tới 30-32 độ C, nhiệt độ thấp nhất là vào đầu mùa khô, tháng 12 và tháng giêng, giao thời giữa gió mùa Đông – Bắc và gió mùa Tây – Nam là thời gian nóng nhất trong năm.

Tỉnh Vĩnh Long là vùng đất đặc biệt thấp và ẩm, nên đất canh tác chỉ thích hợp với việc trồng lúa. Sản lượng gạo trồng tại đây lớn và không ngừng gia tăng, chất lượng gạo cũng khá được ưa chuộng”.

Về địa hình, phần chuyên khảo này cũng cho biết Vĩnh Long không có rừng và núi, tuy nhiên về hướng Trà Vinh, người ta thấy có một số giồng (đất cát và cao hơn ruộng một chút), như giồng An Nhơn, giồng Thủ Bá, giồng Gòn, giồng Cô Hon.

Lịch sử vùng đất Vĩnh Long gắn liền với sự hình thành của phương Nam. Năm 1698, khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, toàn bộ vùng đất mới phương Nam chính thức trở thành một đơn vị hành chính mang tên phủ Gia Định.

Năm 1714, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, lúc này Vĩnh Long là trung tâm của châu Định Viễn, bao gồm một phần của Bến Tre ở mạn trên và Trà Vinh ở mạn dưới thuộc Long Hồ Dinh.

Năm 1732, chúa Nguyễn đã lập ở phía nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là Dinh Long Hồ, Châu Định Viễn, đất Vĩnh Long thuộc Dinh Long Hồ.

Năm 1779, đổi tên thành Hoằng Trấn dinh. Giai đoạn từ năm 1780 đến năm 1805, đổi thành Vĩnh Trấn, năm 1806, Vĩnh Trấn được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh.

Cái tên Vĩnh Long chính thức xuất hiện từ năm 1832, khi vua Minh Mạng đổi tên Vĩnh Thanh thành Vĩnh Long.

Về ý nghĩa của tên gọi Vĩnh Long, đó là chữ Vĩnh trong chữ vĩnh viễn, vĩnh hằng, nghĩa là “mãi mãi”; Long có nghĩa là long trọng, nghĩa là “thịnh vượng, giàu có”. Tên Vĩnh Long thể hiện mong muốn nơi đây luôn luôn được thịnh vượng.

Từ thời điểm năm 1832 trở về sau, Vĩnh Long là một trong 6 tỉnh Nam kỳ, được gọi là Nam kỳ lục tỉnh dưới triều Nguyễn, cho đến khi tất cả 6 tỉnh này trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1867.

Cũng vào giai đoạn này, có một nhân vật lịch sử gắn liền với đất Vĩnh Long và có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của “Nam kỳ lục tỉnh”, đó là cụ Phan Thanh Giản, người được Hội nghiên cứu Đông Dương (vào đầu thế kỷ 20) mô tả là cương trực và tính khí mạnh mẽ.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796 ở Vĩnh Long, đỗ tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ, làm thị lang bộ Hộ, rồi thị lang bộ Binh, thượng thư bộ Hình, thượng thư bộ Lại, thượng thư bộ Binh. Năm 1862, Phan Thanh Giản được triều đình Huế cử làm Chánh sứ nghị hòa với Pháp ở Gia Định, ký hiệp ước nhượng 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa cho Pháp. Vì việc này, ông bị giáng làm Tổng đốc Vĩnh Long, và cũng vì vậy mà cho đến nay công – tội của ông vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Sau đó Phan Thanh Giản được phụ chức để làm chánh sứ sang Pháp, thăng Thượng thu bộ Hộ, sau đó làm Kinh lược đại thần đến trông coi 3 tỉnh còn lại của Nam kỳ là Hà Tiên, Vĩnh Long, An Giang. Năm 1867, Pháp lại kéo đến đòi 3 tỉnh này, Phan Thanh Giản không cản được, chọn cách quyên sinh để tỏ lòng trung liệt.

Hình vẽ mô tả sự kiện ở Vĩnh Long năm 1867, năm Pháp chiếm được Vĩnh Long và trọn vẹn 5 tỉnh Nam kỳ khác

Vĩnh Long 1867

Trong cuốn chuyên khảo về Vĩnh Long của hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1911, Nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2017, đã nói về cụ Phan Thanh Giản như sau:

“Khi 3 tỉnh miền Tây bị chiếm đóng (năm 1867), Phan Thanh Giản đã là một cụ già ngoài 70 tuổi. Trong suốt cuộc đời dài làm quan, ông đã luôn phục vụ đất nước của mình với một lòng tận tụy và vô tư lợi tuyệt đối. Biến cố định mệnh chấm dứt cuộc đời của cụ là một trong những bất công của số mệnh mà chỉ có những tâm hồn lớn mới có thể chịu đựng không suy suyển. Cụ nhìn tương lai, những khiển trách của nhà vua về những lỗi lầm tuy không thuộc trách nhiệm của cụ và cụ vẫn muốn tránh, những chỉ trích và lên án đầy ác tâm của các kẻ thù chánh trị của cụ, nguy cơ đánh mất danh dự của mình, tất cả những thứ này, cụ đã nhìn với một tâm hồn kiên cường và bình tĩnh. Cụ đã bước ra khỏi đó, vĩ đại như người xưa. Sau khi chuẩn bị quan tài cho mình và sau khi viết một bức thư dài và cảm động gửi đô đốc de Lagrandiere, cụ cho gọi gia đình đã được cụ triệu tập về Vĩnh Long, long trọng khuyên nhủ các con không được phụ vụ Pháp, mà là sống an bình tại làng của họ, và ra lệnh phải giáo dục các cháu như người Pháp, đoạn, trước mắt mọi người trong gia đình, cụ uống một liều thuốc cực mạnh.

Đô đốc de Lagrandiere đã viết cho người con trai cả của cụ một bức thư phân ưu và ra lệnh đặt quan tài trên một chiếc ghe lớn, được thuyền kéo tới tận nơi cụ sinh ra ở làng Bảo Thạnh, gần cửa Ba Lai ở Bến Tre. Một đơn vị quân đội Pháp làm lễ mặc niệm cụ trước sự hiện diện của đông đảo dân chúng. Mộ của cụ, thật giản dị, mang tấm bia khắc chữ: Lương Khê Phan Tao nông chi mộ, nghĩa là “Tại nơi Lương Khê này, có mộ của cụ nông dân họ Phan”.

Sau khi Vĩnh Long thuộc về Pháp, hạt thanh tra Định Viễn được thành lập, lỵ sở đặt ở Vĩnh Long. Quyết định ngày 16/8/1867 đổi tên hạt thành tra Định Viễn thành hạt thanh tra Vĩnh Long.

Vĩnh Long 100 năm trước

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có có một số tiểu khu hay hạt tham biện, hạt thanh tra Vĩnh Long đổi tên thành hạt tham biện Vĩnh Long.

Tòa tham biện Vĩnh Long

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ là Tỉnh (Province) kể từ ngày 1/1/1900, từ đó hạt tham biện Vĩnh Long đổi thành tỉnh Vĩnh Long.

Bungalow Vĩnh Long năm 1930, nay là khách sạn Cửu Long

Từ năm 1951, tỉnh Vĩnh Long có thời gian ngắn đổi tên thành tỉnh Vĩnh Trà, đến 1954 thì chính quyền VNCH đổi lại thành Vĩnh Long như cũ.

Đầu năm 1976, Vĩnh Long đã sáp nhập với Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, nhưng đến ngày 26 tháng 12 năm 1991 lại tách ra thành hai tỉnh riêng như cũ. Khi tách ra, tỉnh Vĩnh Long, gồm thị xã Vĩnh Long và 5 huyện: Bình Minh, Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.

Ngày 10 tháng 4 năm 2009, thành lập thành phố Vĩnh Long trực thuộc tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Vĩnh Long cũ.

Một số hình ảnh Vĩnh Long xưa:

Tháp Phan Thanh Giản ở ngã 3 Cần Thơ, là cửa ngõ của Vĩnh Long

Trước năm 1975 khi bắt đầu vào trung tâm Vĩnh Long sẽ bắt gặp ngay ngọn tháp nằm sừng sững ở ngã ba Nguyễn Huệ (tên gọi khác là ngã ba Cần Thơ). Trên ngọn tháp bốn mặt này có một hàng chữ Hán, dịch nghĩa là: “Tiền Triều Đại Thần Phan Thanh Giản”.

Ngọn tháp này mang tên tháp Phan Thanh Giản.

Phan Thanh Giản là vị quan Kinh Lược Sứ đất Nam Kỳ của triều Nguyễn, luôn luôn trung thành với chủ nghĩa: “Trung Thần Bất Sự Nhị Quân”.

Trước đó ở vi trí ngã tư đường Phan Thanh Giản (nối liền với đường Lê Thái Tổ) và đường Lê Lai, ngay phía trước mặt Tòa Hành Chánh tỉnh Vĩnh Long (nay là UBND tỉnh Vĩnh Long) có một bức tượng bán thân của Phan Thanh Giản bằng đồng đen.

Đường nằm ngang là Lê Lai, đi về bên phải khoảng 100m là Tòa Hành Chánh tỉnh Vĩnh Long (nay là UBND tỉnh Vĩnh Long)

Sau Tết Mậu Thân, bức tượng được mang về thờ tại Văn Thánh Miếu, nằm trên đường từ Vĩnh Long sang Vĩnh Bình. Thay vào đó thì ngọn tháp Phan Thanh Giản được dựng lên tại ngã ba Nguyễn Huệ – Lê Thái Tổ – QL4.

Đường Lê Thái Tổ, đi về phía ngã 3 Cần Thơ, chính giữa là tháp Phan Thanh Giản nhìn từ phía trung tâm. Bên trái là bến xe Vĩnh Long, chợ Long Châu, quẹo trái là đường Nguyễn Huệ đi Cần Thơ, đi thẳng là quốc lộ 4 đi Sa Đéc. Bên phải là khách sạn Thái Bình

Tháp Phan Thanh hình khối tháp tứ diện, đáy to đỉnh nhỏ, kiến trúc theo lối những kim tự tháp, bốn mặt đều quay ra đường lộ. Từ đàng xa phía cầu Tân Hữu, cầu Tân Bình hoặc dốc cầu Lộ mọi người đều nhìn thấy bóng dáng của ngọn tháp. Mặt tháp về phía đại lộ Nguyễn Huệ có gắn hai tấm bia bằng đá cẩm thạch vân trắng. Một tấm ghi chức tước, một tấm ghi sơ lược về tiểu sử cụ Phan Thanh Giản. Quanh ngọn tháp có một vòng rào bằng những trụ xi măng màu xám, hình những khẩu đại bác thuở xưa. Tháp Phan Thanh Giản bị đập bỏ vào tháng 5-1975.

Tháp Phan Thanh Giản nhìn từ trên cao. Bìa trái ở góc trên của hình là Nhà Thờ Vĩnh Long

Nhắc đến đất Vĩnh, không thể không nhắc đến ngôi trường Tống Phước Hiệp đã gắn bó với nhiều thế hệ. Đây là trường trung học lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, ở địa chỉ số 106 Gia Long, gần ngã 3 sông Long Hồ – sông Cổ Chiên. Ngày nay ngôi trường này đã đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Lưu Văn Liệt, và con đường Gia Long đằng trước trường nối dài với đường Tống Phước Hiệp cũng đổi tên thành đường 1/5 và 30/4.

Ngôi trường này đặt đặt theo tên của Tống Phước Hiệp từ năm 1961, là tên của danh tướng thời chúa Nguyễn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Vĩnh Long.

Không ảnh nhìn về phía ngã 3 Cần Thơ. Bên trên là sông Cổ Chiên. Đường dọc hình là đại lộ Nguyễn Huệ đi về phía ngã 3 Cần Thơ, bên phải là đường Lê Thái Tổ đi về phía trung tâm Vĩnh Long. Khu nhà hình chữ nhật màu trắng ở giữa hình là trường Sư Phạm và trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long, nay là trường Cao Đẳng Vĩnh Long và trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật Vĩnh Long

_

Hình ảnh khác của đường Nguyễn Huệ

_

Khu vực trường Trung học Kỹ Thuật Vĩnh Long trên đường Nguyễn Huệ

_

Sân vận động nằm sát bên trường Sư Phạm

_

Một góc ảnh khác của ngã 3 Cần Thơ. Bên trái là đại lộ Nguyễn Huệ đi Cần Thơ

_

Đường Lê Thái Tổ đi về phía trung tâm Vĩnh Long bên tay trái, bên phải là ngã 3 Cần Thơ. Khối nhà màu trắng là Nhà Thờ Vĩnh Long

_

Nhà thờ Vĩnh Long trên đường Lê Thái Tổ

_

Nhà thờ Vĩnh Long

_

Chợ Long Châu ở gần ngã 3 Cần Thơ

_

Đường Lê Thái Tổ đoạn từ ngã 3 Cần Thơ về phía trung tâm Vĩnh Long. Phía cuối đường là vào cua bên trái để lên cầu Lộ để qua đường Phan Thanh Giản (nay là đường 3/2)

_

Hình này được chụp cùng 1 thời điểm với hình bên trên, người chụp đứng cùng 1 vị trí, nhìn về hướng ngược lại, tức là đường Lê Thái Tổ nhìn về phía ngã 3 Cần Thơ

_

Cầu Lộ bắt qua rạch Cái Ca, nối đường Lê Thái Tổ và Phan Thanh Giản

_

QL4, từ ngã 3 Cần Thơ đi về phía Sa Đéc và Bắc Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận). Phía trên hình là Cồn Chim

_

Đường ven sông Cổ Chiên, bên phải là cải huấn, nay là Viện Bảo Tàng. Bên trái hình là bến Phà An Bình trên đường Phan Bội Châu. Phía xa xa là Công Quán (Bungalow Vĩnh Long), nay là khách sạn Cửu Long

_

Công Quán, còn được gọi là Bungalow Vĩnh Long, vốn là câu lạc bộ sĩ quan Pháp. Sau năm 1954, Bungalow trở thành khách sạn sang trọng, tầng trệt mở nhà hàng restaurent, bán hải sản và thức ăn đặc sản của địa phương

_

Bên phải hình là Bungalow Vĩnh Long

_

Công Quán dịp Mậu Thân 1968

_

Đường Phan Bội Châu, tường rào phía trước trại cải huấn. Bên trái là Công viên dọc bờ sông Cổ Chiên

_

Ty cảnh sát nằm ở giữa đường Phan Bội Châu nối với Gia Long

_

Khu phố chợ Vĩnh Long sát bờ sông, đường Gia Long

_

Dãy nhà khu chợ Vĩnh Long trên đại lộ Gia Long

_

Ngã 3 đường Gia Long – Lê Văn Duyệt, đi một chút nữa sẽ gặp trường Tống Phước Hiệp ở bên tay phải. Ngày nay đoạn này đổi tên thành 30/4 – Hoàng Thái Hiếu

_

Khu vực chợ Vĩnh Long trên đường Gia Long, nằm ở giữa 2 đường Chi Lăng và Bạch Đằng

_

Bên phải là phi trường Vĩnh Long dọc theo QL4, ngày nay là đường Võ Văn Kiệt

_

Cổng vào phi trường Vĩnh Long

_

Chính giữa là trung tâm Vĩnh Long dọc sông Cổ Chiên. Bên trái là rạch Long Hồ (nay là sông Long Hồ), bên phải là rạch Cái Ca (nay gọi là sông Cầu Lộ)

_

Không ảnh khu vực Dòng nữ tu và Cô nhi viện Mục Tử Nhân Lành (Good Shepherd Convent and Orphanage)

_

Sân trong Dòng nữ tu Mục Tử Nhân Lành tại Vĩnh Long

Một số hình ảnh khác của Dòng nữ tu Mục Tử Nhân Lành:

_

_

_

_


__

_

_

_

Sông Long Hồ đổ ra sông Cổ Chiên. Đường dọc sông là Phan Bội Châu nối với Gia Long (nay là đường 1/5 và 30/4)

_

Cầu Măng Thít (Cầu Mới) trên tỉnh lộ 7A (nay là QL53) bắc qua sông Măng Thít

_

Cầu Măng Thít

_

Bến tàu Vĩnh Long

_

Khu vực gần chợ và bến tàu Vĩnh Long

_

Bắc Mỹ Thuận, này là cầu Mỹ Thuận

Một số hình ảnh sông Cổ Chiên:


_

Những hình ảnh khác ở Vĩnh Long xưa:


Một số hình ảnh Vĩnh Long 100 năm trước:

Một góc chợ buôn bán ngoài trời

Tòa án Vĩnh Long

Đường trước Tòa án

_

Trụ sở Hội đồng xã Vĩnh Phước

_

Tòa Thị chính Vĩnh Long, trên đường Tống Phước Hiệp, phía sau lưng là rạch Long Hồ. Ngày nay tòa nhà này là trụ sở UBND TP Vĩnh Long trên đường 30/4

Tòa tham biện Vĩnh Long, sau 1975 là dinh tỉnh trưởng, nay là bảo tàng Vĩnh Long

_

Cầu Thiềng Đức qua rạch Long Hồ, tòa nhòa khuất sau cầu là Dinh tỉnh trưởng

_

Đường dọc rạch Long Hồ, xa xa là cầu Thiềng Đức

_

Bungalow Vĩnh Long

_

Trường Nam tiểu học, nay là trường Tiểu học Nguyễn Du

Trường nữ tiểu học Vĩnh Long

_

Chùa Bà Thiên Hậu ở gần cầu Thiềng Đức

_

Dãy nhà nằm ở gần nhà thờ Vĩnh Long

Garage xe ở Vĩnh Long xưa

Nhà bảo sanh Vĩnh Long

Sở thuế Vĩnh Long

Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr