👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Sài Gòn những năm trước 1975 có những quán café mang phong cách sang trọng, là nơi gặp gỡ của tầng lớp được xem là tinh hoa thời đó, như là văn nghệ sĩ, nhà báo, các nhân vật chốn nghị trường, và cả quân nhân, công chức và du khách… Một điều đặc biệt, đó là hầu hết các quán café này đều nằm trên con đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), tạo thành một trục được gọi là “văn hóa không tên” của Sài Gòn. Đó là các quán La Pagode (Cái Chùa), Givral, Brodard, Continental, Imperial…
Đường Tự Do chỉ dài chưa tới 1km (tính từ bến Bạch Đằng đến Nhà Thờ), nhưng có nhiều hàng, quán, khách sạn sang trọng, sầm uất bậc nhất Sài Gòn qua nhiều thế kỷ. Qua bài viết này, mời các bạn cùng nhìn lại các quán café nổi tiếng trên trục đường Tự Do (Catinat) xưa.
Givral
Sài Gòn Givral là một trong những quán cafe lâu đời nhất của Sài Gòn, nằm ở trong thương xá Eden ở ngay mặt tiền góc đường Lê Lợi – Tự Do, nơi nhìn ra đối diện có thể thấy trọn Công trường Lam Sơn ở đầu đại lộ Lê Lợi, hoặc nhìn qua phía đường Tự Do có thể thấy được Continental Palace, Opera House, và sau này còn có thêm Caravelle Hotel. Nhà hàng – cafe Givral được một người Pháp sống lâu năm ở Việt Nam là Alain Poitier mở ra vào khoảng giữa thập niên 1950.
Quán Givral (thương xá Eden) tọa lạc trên một phần nền cũ của “Grand Café de la Musique”, một quán giải khát nổi tiếng vào những năm đầu thế kỷ 20. Sau đó quán cà-phê nhường chỗ cho nhà thuốc Tây được xem là đầu tiên ở Sài Gòn là Pharmacie Solirène.
Hình ảnh khu đất này khi nó là tiệm thuốc tây đầu tiên của Sài Gòn:
Một số hình ảnh vị trí này khi là tiệm thuốc Tây vào 100 năm trước:
Tiệm thuộc tây này thuộc sở hữu của bác sĩ Victor Thomas Holbe (nhà ở gần Hồ Con Rùa ngày nay.
Khoảng thập niên 1940, khu phố này được tái thiết, cao ốc Eden được xây lên ở đầu đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi), 2 bên là đại lộ Charner và Catinat (nay là Nguyễn Huệ và Đồng Khởi). Nhà thuốc Solirène biến mất, từ đó quán cà-phê Givral ra đời.
Quán Givral nằm ở trung tâm thành phố, ngay con đường sầm uất bậc nhất và rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm (trong Eden), chờ tới giờ vào rạp chiếu phim (Eden cinema), hóng tin tức nghị trường vì quán nằm ngay đối diện trụ sở Quốc Hội, hoặc ghé mua sách báo ngoại văn ở tiệm sách Xuân Thu ở cách đó chỉ vài căn rồi mang vào quán café chọn một góc yên tĩnh để ngồi đọc.
Đặc biệt, thương hiệu bánh ngọt Gival rất nổi tiếng, thu hút nhiều thực khách sành ăn.
Theo nhà văn Văn Quang kể lại, quán Givral đông nhất và đáng kể nhất vào mỗi buổi sáng. Khi đó cánh phóng viên thường tụ tập ở nơi này vì nó ở ngay trước trụ sở Quốc Hội (sau 1967 là Hạ Nghị Viện), các ông dân biểu thường ra ngồi giải lao tại đây và “thảo luận” đủ thứ chuyện bên lề, thường là những câu chuyện hấp dẫn hơn chuyện trong nghị trường.
Trong số những phóng viên, ngoài người Việt Nam còn có một số phóng viên người Mỹ, Pháp từ Continental Palace từ đối diện ghé sang, hoặc là cũng có một số phóng viên người Việt làm cho các đài truyền hình, truyền thanh nước ngoài săn tin tại đây.
Sau năm 1975, quán Givral vẫn còn tồn tại đến tận năm 2010, khi tòa Eden cũ bị giải tỏa để mọc lên một trung tâm thương mại lớn. Khi đó sự biến mất của Givral để lại sự nuối tiếc lớn đối với nhiều người, vì đó không chỉ là một quán café đơn thuần, mà còn là một địa điểm văn hóa lịch sử, đã lưu dấu bao nhiêu thăng trầm của Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ.
Năm 2012, quán Givral mới được khai trương trở lại cùng lúc với trung tâm thương mại mới vừa được xây xong.
Givral vẫn nằm ở vị trí cũ, nhưng không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Thiết kế mới với tông màu nâu, vàng kem chiếm phần chủ đạo, nội thất gỗ thể hiện cho mang nét hoài cổ, nhưng vẫn mang nét hiện đại và sang trọn. Givral mới đã xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ.
Sau gần một năm gắng gượng để tồn tại, đến đầu tháng 9/2013, Givral đóng cửa trong lặng lẽ vì không chịu nổi tiền thuê mặt quá cao giữa lúc kinh tế đang lao dốc, chấm dứt gần 60 năm tồn tại. Dù thương hiệu Givral vẫn hiện diện khắp nơi ở Sài Gòn, nhưng với nhiều người thì Givral ở Eden đã vĩnh viễn kết thúc.
Brodard
Một quán cà phê khác trên trục đường Tự Do có phong cách phương Tây sang trọng là Brodard, với bàn ghế và trang trí nội thất sang trọng, có không gian yên tĩnh và ánh sáng nhẹ để khách có thể ngồi thưởng thức cà phê.
Quán Brodard nằm ở góc đường Tự Do – Nguyễn Thiếp (sau này bị ghi sai thành Nguyễn Thiệp), là tiệm bánh ngọt được khai trương từ năm 1948, có kỹ thuật làm bánh tiên tiến của Pháp và mang hương vị phù hợp với người Việt.
Nếu như Givral đông đúc vào sáng sớm thì Brodard nhộn nhịp lúc buổi xế và tối, nơi tụ tập của “dân đi chơi đêm” của Sài thành. Brodard ở gần các phòng trà, vũ trường Tự Do, Olympia, nên cũng là nơi lui tới của nhiều người trong giới nghệ sĩ.
–
–
Khoảng năm 2012, nhà hàng Brodard ở vị trí này bị đóng cửa và được Sony thuê lại làm cửa hàng trưng bày sản phẩm, sau đó đổi lại thành nhà hàng Brodard – Gloria Jean’s Coffees. Tuy nhiên thương hiệu cafe này cũng rời khỏi vị trí này chỉ sau một thời gian ngắn do chi phí thuê quá đắt đỏ. Đến năm 2019 thì cửa hàng Brodard được mở lại ở ngay vị trí này cho đến nay.
–
La Pagode
So với Givral và Brodard thì quán La Pagode (gọi nôm na là quán Cái Chùa) được xem là “cổ kính” nhất, yên tĩnh nhất và cũng không kém phần sang trọng, mang đậm phong cách Paris. Quán có địa chỉ số 209 đường Tự Do.
–
Địa thế của La Pagoda cũng rất đẹp, nằm ngay góc đường Tự Do – Lê Thánh Tôn, của một ông chủ người Pháp, và cung cách phục vụ cũng theo kiểu Pháp. Quán không rộng lắm, khoảng 60m2, đặt chừng 10 cái bàn gỗ mặt vuông, ghế ngồi rộng, cũng bằng gỗ có thành dựa, cửa kính dày hai mặt, khách ngồi café có thể phóng tầm nhìn được ra phía công viên Chi Lăng rợp bóng mát cây xanh.
Khách của La Pagode đa phần là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là nghệ sĩ lại tụ tập nơi đây ngồi thành từng nhóm. Đây là nơi các nhà văn, nhà thơ và cả nhạc sĩ đưa nhau xem những tác phẩm đang còn dở dang để cùng góp ý và hoàn thiện trước khi giới thiệu đến công chúng.
Sau năm 1975, quán cà phê Cái Chùa hoạt động một thời gian rồi trở thành đại lý bán vé máy bay, đến nay vị trí này trở thành một phần của trung tâm thương mại Union Square.
Continental Palace
Continental Palace là khách sạn lớn đầu tiên và hoành tráng nhất Việt Nam, được người Pháp xây dựng trong 2 năm và hoàn thành năm 1880.
Tầng trệt của khách sạn là nhà hàng và quán café có thể ngồi lấn ra vỉa hè, phong cách rất giống với những quán ở Châu Âu, là nơi tập trung của tầng lớp quý tộc, thượng lưu, mà hầu hết là những khách nước ngoài lưu trú tại khách sạn.
Con đường Catinat – Tự Do hoa lệ sau này đã mọc lên khá nhiều quán cà phê và tiệm rượu, trở thành tâm điểm giải trí ở Sài Gòn khi màn đêm xuống, nhưng chỉ ở quầy rượu nhà hàng Continental mới là nơi mà Kim Lefevre (một nhà văn từng sống thời gian dài ở Sài Gòn) khẳng định: Người ta thường giao thiệp với những phụ nữ thanh lịch nhất của Sài Gòn ở đây.
Tiệm cafe Imperial
Một tiệm cafe khác cũng nằm trên đường Tự Do, nhưng cách khá xa khu tứ giác bên trên, đó là tiệm Imperial, nằm ở góc đường Tự Do – Nguyễn Văn Thinh (nay là Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi). Căn nhà của tiệm này ngày nay vẫn còn giữ nguyên kiến trúc, chưa bị thay đổi.
Một số hình ảnh khác chụp quán Imperial ở ngã tư đường Tự Do – Nguyễn Văn Thinh, nhìn về đường Tự Do ở hướng Opera House:
Hình ảnh quán Imperial nhìn ra đường Tự Do:
Hình ảnh so sánh căn nhà ngày xưa là cafe Imperial, nay là một nhà hàng:
Quán nước lề đường trên đại lộ Lê Lợi
Với những khán giả bình dân hơn, người ta không vào những quán sang trọng bên trên, mà chọn các tiệm nước lề đường, có nhiều ở trên các trục đường lớn, đặc biệt là đại lộ Lê Lợi.
Đầu tiên là tiệm Thanh Bạch (vốn là một tiệm cơm) nằm gần bên rạp Vĩnh Lợi, cách không xa Bịnh viện Đô Thành (nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn). Tiệm có ghế bàn đặt trên bờ hè trước quán, khách vừa có nơi ăn uống thoáng đãng vừa được ngắm cảnh sinh hoạt trên phố xá. Tiệm Thanh Bạch nằm tại tầng trệt của tòa nhà năm tầng, lầu một đến lầu hai thuộc về nhà hàng và khiêu vũ trường Olympia (tên cũ là Thiên Hương).
Trên đại lộ Lê Lợi còn có một tiệm bán lề đường khác là nhà hàng Kim Hoa, ở góc ngã 4 Lê Lợi – Pasteur:
Hình ảnh người Sài Gòn uống nước đọc báo buổi sáng trên lề đường ở nhà hàng Kim Hoa:
Ngoài nhà hàng Kim Hoa, đại lộ Lê Lợi còn có nhà hàng Kim Sơn và nhà hàng Thanh Thế, đều có các bàn ghế đặt ở lề đường để khách ngồi uống nước, uống bia hóng mát và trò chuyện với nhau.
Nhà hàng Kim Sơn là nơi có rất nhiều ca nhạc sĩ giao lưu gặp gỡ thời xưa, vì bên trên nó là phòng trà ca nhạc Bồng Lai, kế bên có phòng trà Quốc Tế, và xa xa là những vũ trường Queen Bee, phòng trà Tự Do… nơi tập trung đông đúc giới nghệ sĩ Sài Gòn.
Đông Kha (chuyenxua.net) biên soạn