Uncategorized

Bộ ảnh hiếm về Chợ Cũ ở trung tâm Sài Gòn xưa (đại lộ Hàm Nghi, đường Võ Di Nguy)

Chợ Cũ là tên gọi của khu chợ nằm giữa tứ giác các đường ngày nay là Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Hải Triều và Hồ Tùng Mậu. Tuy nhiên thực tế thì có còn lan rộng hơn, ra phía các đường Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Thất Đạm, thậm chí là tới tận góc đường Pasteur – Hàm Nghi.

Đây là khu chợ nằm lọt thỏm giữa trung tâm Sài Gòn và đã chứng kiến bao nhiêu sự đổi thay từ cuối thế kỷ 19, tròn thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21.

Dù là khu chợ không chính thức, không có nhà lồng, nhưng nơi đây hàng hóa phong phú như là một khu chợ tạp hóa lớn có thể tìm mua bất kỳ thứ gì. Trước 1975, những mặt hàng nổi tiếng ở Chợ Cũ là bánh mì, chợ thú nuôi, vải vóc… và nhiều loại khác.

Ngoài ra, khu chợ trên đường Tôn Thất Đạm được xem là “chợ của nhà giàu” vì có những gian hàng bán thực phẩm cao cấp và đồ hộp Mỹ.

Nguồn gốc của Chợ Cũ xuất phát từ thế kỷ 17, khi người Việt đến lập nghiệp ở phương Nam, ghe thuyền buôn bán tấp nập ở ven sông Bến Nghé, ở vị trí ngày nay là bến Bạch Đằng. Khi chúa Nguyễn Ánh cho xây thành Phiên An (thành Quy) cuối thế kỷ 17, rồi sau đó là vua Minh Mạng xây thành Gia Định (thành Phụng) năm 1836, vì bến sông này nằm gần thành Gia Định, dùng cho khách vãng lai và lính vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (tức bến trước khi vào thành), và khu chợ ở bến sông (vị trí gần cột cờ Thủ Ngữ) cũng được gọi là “chợ Bến Thành” (ngôi chợ thứ nhất).

Vì trong lịch sử, chợ Bến Thành được dùng cho tổng cộng 3 ngôi chợ ở vị trí khác nhau, nên để phân biệt, bài viết này gọi là chợ Bến Thành thứ nhất, thứ hai, và thứ ba.

Để thuyền bè vào tận thành Gia Định, ngay đầu chợ Bến Thành có một con kinh đào được hình thành mang tên Kinh Lớn, nằm ở vị trí tương ứng với toàn bộ đường Nguyễn Huệ hiện nay. Ngoài cái tên kinh Lớn do chính quyền đặt, người dân lúc bấy giờ còn gọi là kinh Chợ Vải, do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc.

Chợ Bến Thành thứ nhất này được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Nơi bến sông này thuận lợi cho ghe thuyền trong và ngoài nước lui tới, vì thế mà việc buôn bán trở nên sầm uất.

Từ khi xuất hiện cho đến khi quân Pháp tiến đánh Gia Định, chợ Bến Thành thuở ban đầu này đã có 2 lần bị san bằng, rồi lại được hồi sinh mạnh mẽ. Lần đầu là sau loạn Lê Văn Khôi năm 1835, lần thứ 2 là Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859.

Ngay sau khi Pháp hạ thành Gia Định năm 1859, ngay lập tức họ đã cho khôi phục lại chợ Bến Thành, nhưng nó không nằm ở vị trí cũ nữa, mà lùi vào bên trong, ở khu vực giữa 4 đường hiện nay là Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu và Hải Triều (như đã nhắc đến ở trên), tức là vị trí của cao ốc 68 tầng Bitexco và Kho bạc thành phố ngày nay.

Chợ Bến Thành (thứ hai) vào thế kỷ 19, ở vị trí đường Nguyễn Huệ hiện nay

Từ sông Sài Gòn nhìn vô, chợ Bến Thành (chợ thứ hai) nằm bên tay trái nhìn ra kinh Chợ Vải.

Chợ cũ bên bờ kênh, bên phải là đường Vannier (nay là Ngô Đức Kế), bên trái là đường Phủ Kiệt, nay là Hải Triều

Lúc này kinh Chợ Vải (Kinh Lớn) được người Pháp gọi là Grand Canal, sau đó trở thành kinh Charner, đặt theo tên đô đốc Charner.

Ngôi chợ Bến Thành (chợ thứ hai) được xây dựng rất nhanh và hoạt động từ năm 1860 với năm gian cột gỗ, mái lá. Sau khi được xây dựng lại, chợ Bến Thành này ngay lập tức tấp nập ghe thuyền các nơi đổ đến mua bán chật kinh Chợ Vải ở phía trước chợ, và rạch Cầu Sấu (nay là Hàm Nghi) góc trái sau chợ, là hai đường nước chở hàng hóa và khách đi chợ.

Năm 1887, kinh Charner (Kinh Chợ Vải) bị lấp thành đại lộ Charner (dân lúc đó gọi là đường Kinh Lấp, từ năm 1955 đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ). Hai bên đường, nhà cửa người Việt, Hoa, Ấn, Miên… san sát, buôn bán sầm uất, xung quanh chợ mọc lên hàng loạt nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả tòa soạn báo.

Năm 1894, ý định xây chợ mới được mang ra bàn thảo để thay thế ngôi chợ đã xuống cấp này. Nhưng lúc đó thành phố cũng đang có các công trình xây dựng quan trọng khác là tòa thị chính, nhà hát thành phố. Vì tổn phí cho những việc này quá lớn nên việc xây dựng một ngôi chợ mới kiên cố hơn vẫn chưa được xem xét.

Tuy nhiên sau đó ngôi chợ ngày càng cũ nát, cùng với đó là kinh Chợ Vải nhiều rác bốc mùi hôi thối ngay trước Dinh Xã Tây (Tòa thị chính) đến mức cư dân xung quanh làm đơn phản đối lên Hội đồng TP Sài Gòn lúc ấy.

Chợ Cũ. Khi này kênh đã bị lấp và Dinh Xã Tây đã được xây ở đầu đại lộ Charner

Đến đầu thế kỷ 20, chợ Bến Thành thứ hai bị trải qua nhiều cơn bão, hỏa hoạn, có nguy cơ hỏa hoạn cao ảnh hưởng đến xung quanh, có thể bị sụp đổ bất kỳ lúc nào.

Chợ Cũ trên đường Charner năm 1895

Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt có mái tôn nhẹ nên để lại. Đồng thời, chính quyền cũng khẩn cấp xây dựng chợ mới, tìm lựa chọn một địa điểm để xây cất để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển.

Chợ Bến Thành mới (chợ thứ ba) được xây dựng năm 1912 và hoàn thành trong 2 năm. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay, lúc đó chỉ là ao đầm.

Ngôi chợ cũ được giải tán, chỉ còn lại 1 trong 5 gian cũ lợp tôn và vài quầy hàng ở đường d’Adran, sau 1955 là đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu, và vị trí đó được người Sài Gòn quen gọi là Chợ Cũ, tiếp tục tồn tại thêm hơn 1 thế kỷ nữa. Từ lúc này (giữa thập niên 1910) thì tên gọi “Chợ Cũ” mới bắt đầu được người dân quen gọi.

Vị trí trung tâm Chợ Cũ (chợ Bến Thành thứ hai) được giải tỏa để làm quảng trường tên là Gambetta (đặt theo tên của Léon Gambetta, là thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp trong hai năm 1881-1882), và tượng đài của ông Gambetta được dời từ ngã tư Norodom – Pellerin (nay là Lê Duẩn – Pasteur) về chính giữa quảng trường này. Vị trí đặt tượng Gambetta chính là cao ốc Bitexco Financial Tower 68 ngày nay.

Tượng đài Gambetta tại Chợ Cũ (chợ thứ 2), vị trí ngày nay là cao ốc Bitexco 68 tầng. Dãy nhà bên trái là đường Adran (Võ Di Nguy cũ, nay là Hồ Tùng Mậu). Dãy nhà bên phải là đường Vannier, nay là Ngô Đức Kế. Phía bìa trái (nằm ngoài hình) là đường Phủ Kiệt, nay là Hải Triều.

Tuy nhiên tượng đài Gambetta ở vị trí này không được bao lâu thì lại bị dời qua Vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn) vì khu quảng trường này lại được quy hoạch để xây dựng Trésor public (kho bạc), thay thế cho kho bạc cũ nằm đầu đường Catinat (vị trí của Khám Catinat nổi tiếng). Ngày nay tòa nhà kho bạc này vẫn còn, nằm trên đường Nguyễn Huệ, giáp với cao ốc Bitexco ở bên đường Hàm Nghi – Hải Triều.

Tòa nhà kho bạc vẫn còn đến ngày nay sau hơn 100 năm

Như vậy, “Chợ Cũ” là tên gọi của chợ Bến Thành thứ 2, nằm ở vị trí trung tâm là Tòa nhà Kho bạc thành phố và cao ốc Bitexco của hiện tại. Hiện nay các gian hàng ở Chợ Cũ chủ yếu tập trung ở 2 con đường Tôn Thất Đạm và Hồ Tùng Mậu.

Khu Chợ Cũ năm 1890. Đây là góc đường Canton và Rue d’Adran (nay là góc Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu). Tòa nhà giữa ảnh nay là tiệm Như Lan. Góc bên phải ảnh là vị trí của Bitexco ngày nay

Dù chợ Bến Thành cũ này bị giải tỏa ở vị trí nói trên để dời qua chợ Bến Thành mới, nhưng Chợ Cũ vẫn tiếp tục hoạt động dù không còn khu nhà lồng, tồn tại thêm hàng trăm năm sau đó, thậm chí còn lan rộng ra phía đại lộ Canton (Krantz, Somme – nay là Hàm Nghi), tràn qua các đường Adran (Võ Di Nguy), Chaigneau (Tôn Thất Đạm), Hamelin (Huỳnh Thúc Kháng), Pellerin (Pasteur). Thời điểm thập niêm 1960, Chợ Cũ buôn bán nhộn nhịp trên vỉa hè đại lộ Hàm Nghi và các đường xung quanh, có thể thấy lại được qua loạt ảnh xưa được đăng ở cuối bài viết này.

Việc khu chợ cũ vẫn được duy trì và mở rộng ra ở phía đường Tôn Thất Đạm (là nơi không liên quan trực tiếp đến Chợ Bến Thành thứ hai), xuất phát từ nhu cầu đi chợ của cư dân ở khu vực này, tiện và gần nhà hơn là cuốc bộ đến chợ Bến Thành mới. Dọc hai bên đường Tôn Thất Đạm người ta bày ra các sạp, che dù để buôn bán đủ các loại hàng hóa, rau củ, cá mắm.

Như vậy, khu vực các đường cắt với đại lộ Hàm Nghi là Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu), Tôn Thất Đạm, Pasteur và Huỳnh Thúc Kháng được người Sài Gòn gọi là Chợ Cũ, còn khu “chợ cũ chính gốc” nằm khoảng giữa đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ (tương ứng với cao ốc Bitexco và Kho bạc ngày nay) thì không được gọi là chợ cũ, vì từ lâu nó được xây dựng các công sở.

Một ảnh khác của Canton – d’Adran. Đến năm 1920 thì đường Hàm Nghi mới mang tên Somme. Nhà bên trái là vị trí của Như Lan ngày nay

Cho đến cuối năm 2021, chính quyền thành phố ra quyết định giải tỏa hoàn toàn khu Chợ Cũ nói trên. Thông tin được đưa ra ngay thời điểm cuối năm khiến nhiều tiểu thương gắn bó với chợ mấy chục năm trời dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng vẫn đầy tiếc nuối.

Dự kiến, tháng 6/2022, chợ Cũ sẽ chính thức giải tỏa sau nhiều lần có thông báo dẹp chợ bất thành.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh Chợ Cũ qua nhiều thời kỳ: Trước 1955, giai đoạn 1955-1975, và Chợ Cũ trước khi giải tỏa năm 2022.

Chợ Cũ thời cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20:

Chợ Cũ trên đại lộ Charner năm 1904

Nhà có mái màu trắng giữa hình là trạm xe lửa tuyến Sài Gòn – Gò Vấp

Ghe thuyền tấp nập đưa hàng hóa lên bờ ở gần Chợ Cũ. Lúc này kinh Chợ Vải đã bị lấp, đại lộ Charner đã hoàn thành, và Dinh Xã Tây cũng đã được xây dựng

Trạm xe lửa (sau này là xe điện) tuyến Sài Gòn – Gò Vấp nằm ở ngay phía trước Chợ Cũ. Trạm xe điện này đã không còn kể từ khi Chợ Cũ bị giải tỏa. Bên dưới là một số hình ảnh trạm xe điện trước Chợ Cũ:

Đầu đường Charner

Chợ cũ bên đường d’Adran (Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu), góc giáp với đường Krantz (nay là Hàm Nghi):

Phố người Hoa trên đường Adran

Khu nhà trong hình ngày nay là tiệm bánh Như Lan ở góc Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu

Chợ Cũ bên đường Hàm Nghi giai đoạn 1955-1975:

Bánh mì Sài Gòn ở Chợ Cũ đại lộ Hàm Nghi thơm ngon nổi tiếng

Chợ Cũ ở đường Hàm Nghi từng nổi tiếng là khu chợ lề đường bán chim và thú nuôi khác.

Không rõ khu chợ thú nuôi này hình thành từ lúc nào, theo tác giả Ngô Kế Tựu thì có lẽ cũng như bên đường Tôn Thất Đạm hồi đầu thập niên 1950 chỉ là vài mươi sạp chợ tụ họp buôn bán những thứ cần thiết cho nhu cầu dân chúng quanh vùng, rồi qua thời gian theo kiểu buôn có bạn bán có phường, nhiều người kéo nhau dựng sạp bên lề đường bày bán, tụ họp thành khu chợ.

Chợ thú nuôi chỉ là một đoạn ngắn hơn trăm thước trên vỉa hè đường Hàm Nghi, người ta bày bán từ phía dưới ngã tư đường Công Lý (nay là NKKN) qua đến ngã tư Pasteur. Có chỗ dựng sạp bằng tôn, tối về sập xuống khóa lại, có chỗ che dù căng bạt buôn bán đủ loại thú nuôi. Có khi người ta mang gà chọi ra đá bên đường xe lửa giữa đường Hàm Nghi, người đi đường dừng lại xem rất đông, có khi lấn ra tới lòng đường xe chạy.

Chợ thú nuôi ở Hàm Nghi

Sau năm 1975, chợ thú nuôi Chợ Cũ ngưng bán một thời gian ngắn, vài năm thì chợ này họp lại bán chó mèo, cá cảnh và gà đá. Thời gian sau “đổi đời”, nhiều người đi trại về bị thất nghiệp không biết làm gì nên theo bạn bè ra chợ bán chó mèo đường Hàm Nghi kiếm sống qua ngày, đến năm 1990 thì đường này giải tỏa, một số người tập trung qua đường Lê Hồng Phong (đường Petrus Ký cũ) để mua bán.

Chợ bán vải ở đường Hàm Nghi

Vị trí nhà có biển Bastos ngày nay là tòa nhà 68 tầng Bitexco, nằm góc Hàm Nghi – Hải Triều

Góc Hàm Nghi – Võ Di Nguy

Chợ Cũ đường Hàm Nghi, đoạn Pasteur – Công Lý

Chợ Cũ ở đường Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu) giai đoạn 1955-1975:

Chợ Cũ đường Võ Di Nguy

Góc ảnh rộng hơn của Chợ Cũ ở Hàm Nghi – Võ Di Nguy. Khu nhà trong hình là tiệm bánh Như Lan hiện nay

Đường Võ Di Nguy ngay góc Hàm Nghi – Chợ Cũ

Chợ Cũ ở khu vực Tôn Thất Đàm – Hàm Nghi giai đoạn 1955-1975:

Hàm Nghi – Tôn Thất Đàm

Khu Chợ Cũ ở Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm

Đường Tôn Thất Đàm thời Pháp mang tên Chaigneau, sau 1955 được đặt tên Tôn Thất Đàm, là nhân vật lịch sử, con của Tôn Thất Thuyết, anh của Tôn Thất Thiệp. Tuy nhiên sau năm 1975, tên đường này bị đổi thành Tôn Thất Đạm.

Từ góc Hàm Nghi – Tôn Thất Đàm nhìn về phía sông Sài Gòn

Hàm Nghi – Tôn Thất Đàm. Hình này được chụp cùng thời điểm với tấm hình kề bên trên, có thể thấy một chiếc La Dalat biển số 9150 bên cạnh chiếc Taxi con bọ

Chợ cá ở Chợ Cũ đường Tôn Thất Đạm

Từ khu Chợ Cũ này, có một khu chợ khác được tách ra, đó là chợ trời nổi tiếng ở đường Huỳnh Thúc Kháng, nằm ở sát khu chợ cũ:

Hình ảnh Chợ Cũ năm 1991 của nhiếp ảnh gia Hans-Peter Grumpe:

Một số hình ảnh khu Chợ Cũ năm 2021. Nguồn ảnh: báo Thanh Niên:

Bài: Đông Kha (chuyenxua.net)
Ảnh: manhhai flickr

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *