Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng – Phần 3: Cầu Bông – Một phần lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Gia Định _sgx – news
👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Hầu như ai từng ở Sài Gòn cũng đều đã từng đi qua cầu Bông vài lần, ngày xưa đây là cầu nối liền đô thành Sài Gòn (đường Đinh Tiên Hoàng) với tỉnh Gia Định (đường Lê Văn Duyệt). Sau 1975, tỉnh Gia Định nhập vào Sài Gòn, cầu Bông nằm giữa quận 1 và quận Bình Thạnh, đường Lê Văn Duyệt cũng bị xóa tên và nhập chung vào đường Đinh Tiên Hoàng. Đến năm 2020, sau nhiều năm thảo luận về công lao và vai trò của Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt đối với Sài Gòn thì đường Lê Văn Duyệt được phục danh, đoạn từ Cầu Bông với lăng Tả Quân (Lăng Ông) được mang trở lại tên Lê Văn Duyệt như cũ.
Theo nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII (khoảng năm 1736); là một trong những cây cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Gia Định xưa. Ban đầu cầu được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng; bấy giờ được gọi tên là cầu Cao Miên do một Phó vương Cao Miên lúc đó đang tá túc tại Bến Nghé xin được bắc qua sông để tiện việc đi lại. Thông tin này dựa theo bộ quốc sử “Đại Nam nhất thống chí” được soạn thời vua Tự Đức, cho biết như sau:
“Cầu Cao Miên ở huyện Bình Dương, năm Tân Hợi hồi đầu bản triều, quốc vương Cao Miên là Nặc Tha bị Nặc Sô đánh, chạy sang Gia Định, cho ở khoảnh đất khoảng chỗ thượng du sông Nghi Giang. Nặc Tha thấy chỗ ở cách sông, bèn bắc cầu ván để qua lại, nên gọi tên là cầu Cao Miên…”
Tuy nhiên trước đó, ngay từ buổi đầu của triều Gia Long, thượng thư bộ binh Lê Quang Định đã có cách giải thích khác một chút về tên gọi cầu Cao Miên và rạch Cao Miên trong “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” như sau:
“…hai bên đường đều là nhà cửa vườn tược xen nhau, đến cầu Cao Miên, cầu dài 39 tầm (1 tầm=2.5m), cầu này bắc ngang qua rạch Cao Miên nên gọi tên như vậy, hai bên đường đều có dân cư và vườn tược liền nhau.”
Như vậy, theo Lê Quang Định cho biết thì rạch Thị Nghè năm xưa còn có tên là rạch Cao Miên, rồi sau đó mới có cầu Cao Miên. Cái tên rạch Cao Miên này rất có thể xuất phát từ việc ban đầu con rạch này được người Khmer gọi bằng cái tên Khmer là Prêk Kompon Lu.
Trong bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi tên cầu Cầu Cao Miên nối từ Đất Hộ (Dakao) qua Bình Hòa Xã (nay là khu vực Bà Chiểu), nếu so sánh với bản đồ hiện tại thì có thể thấy cầu Cao Miên chính là cầu Bông hiện tại.
Khi tham tán quân vụ Trương Minh Giảng vào Gia Định dẹp loạn Lê Văn Khôi năm 1833, ông đã ra lệnh đốt cầu Cao Miên ở phía bắc thành Phiên An, sau đó có thể là một cây cầu xây tạm được dựng lại cho người dân lưu thông, vì đây là tuyến đường huyết mạch.
Đến khi người Pháp chiếm được Gia Định vào năm 1859, họ tiến hành xây mới một loạt cầu bắc ngang qua rạch Thị Nghè (người Pháp đặt tên là rạch Avalanche) và đánh số cho cầu. Cầu Thị Nghè là premier pont (cầu số 1), vị trí cầu Cao Miên là deuxième pont (cầu số 2), vị trí cầu Kiệu là troisième pont (cầu số 3). Trong 3 cầu thì cầu Bông khác biệt nhờ cấu trúc cầu vòm kiểu Châu Âu cổ điển.
Những giả thuyết về nguồn gốc tên gọi cầu Bông
Một số văn bản xưa thời Pháp ghi tên cầu Bông là Pont de Dakao (cầu Dakao), trong đó Pont tiếng Pháp nghĩa là “cầu”. Nhà nghiên cứu Trương Thái Du cho rằng cái tên cầu Bông xuất phát từ chữ Pont này. Tuy nhiên đây chỉ là 1 trong nhiều giả thuyết.
Có nhiều cách giải thích khác về nguồn gốc tên gọi cầu Bông, trong đó phổ biến nhất là cho rằng sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa, sau vì kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị nên gọi thành cầu Bông. Cách giải thích này có lẽ là dựa theo lời cụ Vương Hồng Sển trong sách Sài Gòn Năm Xưa, nói rằng nơi đây từng có “hoa viên Lê Tả quân”, nên cầu Cao Miên cũ còn được gọi là cầu Hoa.
Tuy nhiên, trước khi Tả quân Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định (từ năm 1812), thì trong quyển “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” vào năm 1806 đã có nhắc đến một cái tên Chợ Bông khi nói về khu vực phía Bắc của thành Quy (thành Phiên An) như sau:
“…đường bên trại thành, đều rộng 6 tầm, đến ngả tư đường lớn dọc thành, nhánh hướng bắc thông với Chợ Bông, giáp với cửa Cấn Chỉ…”
Cửa Cấn Chỉ của thành Quy là vị trí của ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay, đi về hướng Bắc là hướng cầu Bông, theo như tài liệu bên trên cho biết thì có một Chợ Bông ở hướng đó, nên rất có thể đây chính là nguồn gốc của cái tên Cầu Bông, chứ không phải là vườn hoa của Đức Thượng Công nhiều năm sau đó mới có.
Thời Pháp thuộc, con đường từ đầu cầu Bông xuống đến toà Bố (toà hành chánh Gia Định, nay là trụ sở UBND quận bình Thạnh) vào cuối thế kỷ 19 gọi là đường L’inspection, đến năm 1955 đổi tên thành Lê Văn Duyệt. Sau năm 1975, đường Lê Văn Duyệt nhập vào đường Đinh Tiên Hoàng, nhưng đến năm 2020 thì lại tách ra như cũ.
Ngày xưa, cái tên Cầu Bông thường được dân chúng nhắc đến qua vài lời nhạc chế từ bài hát Gạo Trắng Trăng Thanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: Ai đang đi, trên cầu Bông, rớt xuống sông ướt cái quần ni lông…
Trải qua thăng trầm lịch sử, cầu Bông đã từng nhiều lần xuống cấp, được sữa chữa, sau đó năm 2013 được xây lại trên vị trí cũ, năm 2014 thông xe cho cầu mới.
Ở gần Cầu Bông có rạp xi nê nổi tiếng là Casino Dakao, sau 1975 được quốc hữu hóa và đổi tên thành rạp Cầu Bông. Khoảng 20 năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống rạp tối tân hơn, rạp Cầu Bông ế ẩm và thay đổi mô hình kinh doanh thành một quán cafe-billiard.
Cũng từ cái tên Cầu Bông này, có một con rạch nhỏ ở gần đó đi xuyên qua tỉnh Gia Định cũ để đổ ra sông Sài Gòn cũng được đặt tên là Rạch Cầu Bông. Cũng con rạch này, đoạn đi qua chùa Long Vân Tự (chợ Bùi Đình Túy ngày nay) được gọi là rạch Long Vân Tự.
Cầu Bông nối liền Dakao với Bà Chiểu, nên những người đã từng sống ở cả 2 khu vực nổi tiếng này đều có nhiều kỷ niệm với cây cầu mà hầu như ngày nào cũng đi qua vài lần.
Từ thập niên 1950 trở về sau, Dakao là vùng đất nổi tiếng, nơi có nhiều con đường nhỏ nhưng rất sầm uất từ thời Pháp, có nhiều hàng quán và nhiều người tài, cũng là vùng đất là cảm hứng để nhà văn Duyên Anh viết tiểu thuyết Dzũng Dakao. Còn Bà Chiểu là khu vực trung tâm, tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định rộng lớn của ngày xưa, bao gồm từ Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh cho đến Nhà Bè, Cần Giờ. Vì vậy, mặc dù là Dakao và Bà Chiểu đều không phải là trung tâm của Sài Gòn xưa, nhưng vẫn có dân cư đông đúc mà phần đa là giới bình dân lao động, và Cầu Bông nằm ở giữa 2 khu vực này đã trở thành một phần tuổi thơ của biết bao người Sài Gòn – Gia Định xưa.