SG Ky Uc

Chuyện về Minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng năm 16 tuổi và phim “Người Đẹp Bình Dương” năm 1957-s1

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Thẩm Thúy Hằng là một minh tinh màn bạc và là người đẹp danh tiếng nhất trong làng nghệ thuật Sài Gòn trước năm 1975, là ngôi sao sáng nhất của điện ảnh miền Nam Việt Nam từ cuối thập niên 1950 cho đến năm 1975. Lâu nay, người ta vẫn thường gọi Thẩm Thúy Hằng bằng biệt danh là “Người Đẹp Bình Dương”.

Mới nghe qua biệt danh này, nhiều người sẽ tưởng lầm là Thẩm Thúy Hằng nếu không xuất thân ở tỉnh Bình Dương thì cũng có liên hệ gì đó đến vùng đất này. Tuy nhiên thực ra “Người Đẹp Bình Dương” lại có xuất xứ từ… Trung Quốc. Bởi vì Thẩm Thúy Hằng bước vào làng nghệ thuật từ năm mới 16 tuổi bằng vai diễn Yến Tam Nương trong phim nhựa mang tên “Người Đẹp Bình Dương”, đạo diễn và viết kịch bản cho phim là nghệ sĩ Năm Châu, tức soạn giả Nguyễn Thành Châu, hợp tác với hãng phim Mỹ Vân. Ông đã dựa vào câu chuyện trong một cuốn sách của Tàu viết kịch bản cho phim, và dùng địa danh trong tiểu thuyết để đặt tựa cho phim mang tên “Người Đẹp Bình Dương”.

Thẩm Thúy Hằng năm 16 tuổi trong vai Yến Tam Nương phim Người Đẹp Bình Dương

Về sau này, có một ký giả kịch trường hỏi đạo diễn Năm Châu tại sao lại lấy tên phim là Người Đẹp Bình Dương, dễ nhầm lẫn với địa danh Bình Dương – Thủ Dầu Một. Nghệ sĩ Năm Châu trả lời rằng ông viết truyện phim dựa vào câu chuyện nhân gian bên Tàu, và lúc quay cuốn phim “Người Đẹp Bình Dương” thì tỉnh Thủ Dầu Một chưa đổi tên thành Bình Dương. Thật trùng hợp là khi phim vừa ra mắt khán giả thì lại đúng vào lúc có sắc lệnh của chính phủ đổi tên nhiều tỉnh, trong đó tỉnh Thủ Dầu Một đổi thành tỉnh Bình Dương.

Phim Người Đẹp Bình Dương được trình chiếu từ cuối năm 1957, nhưng thực ra trước đó 1 năm, chính quyền đệ nhất cộng hòa đã đổi và tách nhiều tỉnh, trong đó tỉnh Thủ Dầu Một chia thành 3 tỉnh là Bình Dương, Bình Long và Phước Long năm 1956. Tuy nhiên lúc đó sắc lệnh của chính quyền ban ra còn phải mất nhiều thời gian để thi hành các thủ tục hành chính và ban bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (vốn vẫn còn kém đa dạng), nên phải 1 năm sau đó thì nghệ sĩ Năm Châu mới biết thông tin về tỉnh Bình Dương.

Sau năm 1975, 3 tỉnh Bình Dương – Bình Long – Phước Long lại được nhập lại thành tỉnh Sông Bé, và hơn 20 năm sau đó (1997) thì lại tách một lần nữa thành 2 tỉnh là Bình Dương và Bình Phước (ghép tên từ 2 tỉnh cũ là Bình Long – Phước Long).

Trở lại với cuốn phim cổ trang Người Đẹp Bình Dương, có nội dung đề cao lòng hiếu thảo của cô gái Tam Nương, dù bị gia đình ghét bỏ vì có ngoại hình xấu xí. Trải qua những gian truân, cô gái Tam Nương từ vịt con đã hóa thành thiên nga xinh đẹp và được kết duyên cùng hoàng tử khôi ngô. Cốt truyện của phim đơn giản theo kiểu cô gái lọ lem gặp được hoàng tử, dù không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng gây tiếng vang trên báo chí và có công giới thiệu một tên tuổi sáng chói trong bầu trời nghệ thuật miền Nam: Thẩm Thúy Hằng. Phim được trình chiếu vào dịp Noel 1957 và năm mới 1958, với chiến lược quảng cáo rất bài bản của hãng phim Mỹ Vân và đã thu hút được một lượng rất lớn khán giả kéo đến rạp và trở thành một hiện tượng điện ảnh.

Phim Người Đẹp Bình Dương làm nên tên tuổi Thẩm Thúy Hằng cũng là một trong những cuốn phim đạt được thành công lớn đầu tiên của hãng phim Mỹ Vân.

Trong làng điện ảnh miền Nam trước 1975, hãng phim Mỹ Vân là hãng phim lớn và danh tiếng nhất ngay từ những năm thập niên 1950. Thời bấy giờ Mỹ Vân đã tổ chức cuộc thi tuyển lựa tài tử điện ảnh để tìm ra những gương mặt mới cho các dự án phim của hãng.

Sau một buổi tuyển lựa sơ bộ được tổ chức long trọng tại nhà hàng Cầu Vòng ở Chợ Lớn, thì sáng chủ nhật 26/5/1957, bốn buổi tuyển lựa chung kết đã được tổ chức ngay tại hãng Mỹ Vân.

Bài báo đưa tin về việc Thẩm Thúy Hằng trúng tuyển tài tử điện ảnh của Mỹ Vân

Sở dĩ được chia ra làm 4 buổi vì thời gian dự thi của mỗi thí sinh mất gần một tiếng đồng hồ, đó là những cuộc thi diễn tả một đoạn đối thoại trong phim “Bạc Trắng Lửa Hồng“, với cảnh đôi bạn hứa hôn gặp nhau trên bờ biển, ban tuyển lựa sẽ chấm điểm màn diễn xuất này, đồng thời thử lại một lần chót về giọng nói của mỗi người có phù hợp với máy thu thanh hay không. Sau đó các thí sinh dự thi còn thể hiện khả năng diễn xuất qua gương mặt khi vui, khi buồn, khi sợ hãi, khi trầm lặng suy nghĩ, đồng thời biểu diễn điệu bộ khi đi đứng để các chuyên viên thâu hình chấm điểm. Các thí sinh còn phải qua một thử thách khó khăn dưới ánh đèn thủy ngân chói sáng có công suất trên 10.000 nến.

Trải qua 4 buổi tuyển lựa ở vòng chung kết, ban tuyển lựa đã ghi nhận các thí sinh có nhiều khả năng và thiện chí để sau đó có thể trở nên những minh tinh điện ảnh.

Kết quả chung kết cuộc, cô Thẩm Thúy Hằng (16 tuổi) – nữ sinh của trường Trung học Phước Truyền, và Nguyễn Đình Dần – nam sinh trường Trung học trường Tân Thịnh đã chính thức trúng tuyển và được hãng ký hợp đồng dài hạn 3 năm để đóng vai chính trong các phim của hãng Mỹ Vân.

Thẩm-Thúy-Hằng và Nguyễn-Đình-Dần đã chính thức trúng tuyển về cuộc tuyển lựa chung kết tài tử điện ảnh của hãng Mỹ Vân

Từ cuộc thi này, Thẩm Thúy Hằng sau đó đã trở thành một minh tinh huyền thoại của điện ảnh miền Nam. Sau này cô kể lại về cuộc thi này như sau: Một hôm cô đọc báo thấy hãng Mỹ Vân đăng báo cần tuyển diễn viên đóng phim, lúc ấy cô chưa mê đóng phim, chủ yếu là thích được đi nước ngoài để du lịch và xem phong cảnh, mà trong điều kiện tuyển diễn viên của hãng Mỹ Vân lúc bấy giờ có nêu: “Thí sinh trúng tuyển sẽ được đi học nước ngoài 3 năm”.

Thế là Kim Phụng (tên thật của Thẩm Thúy Hằng) đã lén gia đình cùng cô bạn thân là Ngọc Hương đi ghi danh thi tuyển. Nhờ sắc vóc hoàn hảo và bản năng diễn xuất tốt, Kim Phụng đã xuất sắc vượt qua 3000 thí sinh để giành giải nhất. Thẩm Thúy Hằng – nghệ danh mà cô tự nghĩ ra vì hãng phim Mỹ Vân muốn có một nghệ danh khác vì cái tên Kim Phụng trùng tên với một nghệ sĩ cải lương thời đó. Lúc đầu Mỹ Vân đặt cho cô nghệ danh Kim Vân, nhưng cô chọn cái tên Thẩm Thúy Hằng sau này trở nên lừng lẫy. Nghệ danh này được cô giải thích là vì vốn thích con sông Hằng của Ấn Độ, nơi đây hằng năm người ta đến tắm gội một lần đề rửa sạch tội lỗi, nên Hằng chọn làm tên, và Thẩm là họ của hai người thầy mà cô mến mộ: Nhà văn Thẩm Thệ Hà dạy văn, và Nhạc sĩ Thẩm Oánh dạy nhạc cho cô. Còn Thúy là tên của một người bạn rất thân.

Thẩm Thúy Hằng trúng tuyển hạng nhất, nhưng ước vọng đi nước ngoài lại không thành. Mặc dù lúc đó hãng Mỹ Vân đã ký hợp đồng với một hãng show ở Hongkong để làm hộ chiếu cho người được trúng tuyển sang Hương Cảng, nhưng Thẩm Thúy Hằng đã được thuyết phục ở lại để học diễn xuất và đóng ngay vai chính trong phim “Người Đẹp Bình Dương”.

Các diễn viên trong phim Người Đẹp Bình Dương là Thẩm Thúy Hằng (vai Tam Nương), Nguyễn Đình Dần (Thái tử Kinh Luân), Ba Vân (Người bán tơ), Bảy Nhiêu (Ông Đạt), Thúy Lan (Cô gái làng), Kim Vui (Lan Hương), Minh Tâm (Cúc Hương), Xích Tùng (Tướng cướp Trương Thiên), Ly Lan, Ngọc Trai.

Kỹ thuật thâu thanh và thâu hình do toàn thể chuyên viên Việt Nam dưới sự điều khiển của ông Lưu Trạch Hưng – giám đốc hãng phim Mỹ Vân.

Thẩm Thúy Hằng trong vai Tam Nương và Nguyễn Đình Dần vai Thái tử Kinh Luân

Cốt chuyện phim bi thảm, phản ánh một quan niệm gia đình lỗi thời, đề cao lòng hiếu thảo của 1 cô gái út trong nhà, bị chính mẹ ruồng bỏ, các chị khinh khi chỉ vì nàng mang lỗi: Xấu nhất trần gian. Trải bao gian truân đầy ải, nhờ suối tiên, nàng thoát xác thành một mỹ nhơn, nhan sắc tuyệt vời và kết duyên cùng một ông Hoàng trẻ đẹp.

Cốt chuyện giản dị nhẹ nhàng, nói lên được một phần nào những tinh hoa cao quý của luân lý cổ truyền Việt Nam.

Tắm suối tiên, nàng Út Bình Dương thoát xác “Chung Vô Diệm” trở thành một tiên nữ diễm kiều, khiến lọt mắt xanh ông Hoàng trẻ đẹp

Khoác áo cưới chưa ấm lòng, định mệnh éo le đã buộc người con thảo phải khoác lên mình tang vì bởi mẹ đã xa chơi cõi lạc…

Trên đường về quê cũ để thăm cha cùng các chị, ngồi trên mình ngựa cùng chồng, Tam Nương được bà con lối xóm hân hoan đón chào…

Một số hình ành khác trong phim:

Tài tử Kim Vui trong vai Lan Hương

Kim Vui (vai Lan Hương) và Minh Tâm (Cúc Nương)

Trương Billy & Đông Kha
Tư liệu và hình ảnh: Leminh Saigon

chuyenxua.net