Chuyện về Xe ngựa ở Sài Gòn xưa, giải thích tên gọi “xe thổ mộ” và “xe kiếng” (xe malabar) _s2 – Daily News-s1
Những năm đầu thế kỷ 20, tới vài chục năm sau đó, khi nói về giao thông trên đường phố Sài Gòn, người ta thường hay nói “ngựa xe như nước”, để thể hiện sự đông đúc nhộn nhịp. Điều đó cho thấy, từ lâu thì loài ngựa đã đóng vai trò quán trọng trong cuộc sống đô thị.
Xe ngựa ngày xưa có 2 loại, một loại bình dân, có 2 bánh và 1 ngựa kéo, gọi là xe thổ mộ. Một thoại sang trọng hơn, có 4 bánh, người Pháp gọi là xe Malabar, có kiếng xe như xe hơi, nên người Việt còn gọi là “xe kiếng”.
Xe kiếng ngày xưa, còn gọi là xe malabar
Bài viết này sẽ giải thích tên gọi của các loại xe ngựa này, đó là xe thổ mộ, xe kiếng (xe malabar).
Gọi là xe thổ mộ, là vì xe này có cái mui nhìn như cái mả đất, nên gọi là thổ mộ.
Xe thổ mộ này do người Việt biến tấu từ loại xe song mã kiểu châu Âu mà người Pháp đem sang Việt Nam, lúc chưa có xe hơi thì xe song mã này phục vụ giới quan chức, nhà giàu.
Sau đó, vì điều kiện đường sá của Việt Nam, cỗ xe ngựa mà chúng ta thường hay thấy trong phim cổ trang Âu Châu đã được người Việt thu gọn lại thành 2 loại, 1 loại là xe 4 bánh, vách kín và cửa kiếng, người Việt gọi là xe kiếng.
Những năm đầu thế kỷ 20, nếu như người Pháp nắm giữ quyền lực về chính trị, tài chính và công nghiệp, người Hoa nắm giữ đa số về thương nghiệp, thì cộng đồng người Ấn tại Sài Gòn cũng phát triển lớn mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực cho thuê và cho vay. Có thể nói, người Chà lúc đó nắm giữ đến 80-90% lĩnh vực cho vay (không tính nhà băng) ở Nam Kỳ, và họ cũng mua đầu tư rất nhiều xe kéo tay và xe kiếng, rồi cho người Việt thuê lại theo ngày để chở khách.
Xe kéo tay
Nếu như xe kéo tay lúc đó giống như grab bike, thì xe kiếng lúc đó chính là 1 loại “grab car” ngày nay, và đều nằm trong tay của người Ấn đến từ Malabar.
Lúc đó, người Việt thường gọi người Ấn bằng 3 cái tên: Người Chà, người Chệt Ti, hoặc người Malabar.
Chà là Chà Và, phiên âm từ chữ Java. Lúc đó người Việt nói chung các người tới từ Nam Á bằng cái tên Java, một hòn đảo lớn của Indonesia.
Chệt Ty (Chettys) là từ chữ Nattukottai Chettiars, nói tới những người Ấn gốc Tamil tới từ Pondichéry.
Malabar là chỉ những người đến từ phía Nam Ấn Độ. Họ tập trung nhiều ở 1 khu vực chỗ kinh Tàu Hũ, nên xưa ngoài cầu Chà Và, ở Chợ Lớn còn có cầu mang tên Malabar, bắc qua kinh. Ngày nay tên cầu Chà Và vẫn còn, nhưng không còn cây cầu nào mang tên Malabar.
Giải thích dài dòng như vậy là để giải thích cho loại xe ngựa kiếng, vốn đa số do người Ấn Malabar làm chủ để cho người Việt thuê làm tài xế chở khách, nên người Pháp gọi đó là xe malabar, như hình bên trên.
Xe thổ mộ
Nếu như xe kéo tay là để chở khách hạng bình dân, xe kiếng (xe malabar) để chở khách nhà giàu, chủ của 2 loại xe này thường là người Ấn, thì xe thổ mộ là của các tiểu thương người Việt, dùng để chở hàng, chở người, hoặc để chở thuê cho những người buôn bán nhỏ từ các vùng ven Sài Gòn, mỗi buổi sáng sớm chở rau củ vô trong các chợ lớn ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định để bán. Vì vậy, ngày xưa, mỗi buổi tờ mờ sáng, hay tối muộn, tiếng lọc cọc của xe thổ mộ đã in sâu vào trí nhớ của những đứa trẻ lớn lên ở vùng đất này, tiếng buồn đó ám ảnh đến tận cuối đời.
Không chỉ chở hàng, xe thổ mộ còn để chở khách ở các vùng ngoại thành, người đi xe là các bà đi chợ xa. Thời 100 năm trước, xe ngựa được chính quyền quy định về số lượng người ngồi trong, không được quá 4 người. Thí dụ như chở thuê từ chợ quận Hóc Môn đi chợ Bà Điểm, chủ xe được 7 xu, đi Củ Chi được 1 cắc rưỡi (15 xu), nhưng nếu để “ông cò” phát hiện xe chở 5 người thì bị phạt tới 5 cắc (50 xu).
Bánh xe thổ mộ làm bằng gỗ tốt, đường kính khoảng 1m, bộ căm bánh bằng gỗ được tiện sắc sảo, chịu lực từ ổ trục ra lòng máng bọc xung quanh bánh. Sau này có xe hơi, người ta cắt cao su của bánh xe hơi cũ để tròng vô chiếc lòng máng này để giảm xóc. Ngựa phía trước được trang bị bộ ba trá để che mắt ngựa, chỉ được nhìn phía trước, hàm thiếc ở hàm răng ngựa, và cặp cương dài. Một niềng cổ hình trái tim được bọc da cẩn thận, tròng vô cổ ngựa để không làm trầy vai ngựa khi kéo, hai bên niềng cổ có gờ sắt móc vào dây xích cặp theo 2 gọng. Bộ yên ngựa bằng da có hai quai lồng vào hai gọng xe đặt trên vai ngựa. Sợi yên lưng này chạy dài trên sống lưng và lồng vô đuôi ngựa (để khi xuống dốc thì ngựa ghìm xe lại). Ngoài ra còn có “dây bụng” mắc vào kế cận bộ yên, có tác dụng vừa kiềm chiếc xe, vừa nâng ngựa không bị đè nặng khi xe chạy.
Hồi 100 năm trước, phương tiện di chuyển công cộng ở Sài Gòn là xe điện, xe buýt Renault, nhưng cả 2 loại này chỉ đi tuyến cố định, mà nhu cầu đi lại của người dân thì đi khắp hướng, nên xe ngựa (xe thổ mộ, xe kiếng) rất phổ biến lúc đó.
Ngày xưa, xe ngựa thường đậu ở các bến trạm xe lửa, như Bến Thành, làm nhiệm vụ trung chuyển khách từ các nơi để tới ga đi xe lửa, xe điện, những tuyến chạy ngang dọc khắp Sài Gòn, từ Bến Thành đi Chợ Lớn, Hóc Môn, Lái Thiêu, Mỹ Tho.
Lúc đó, xe ngựa được phép đi khắp các đường trung tâm Sài Gòn, trừ 1 con đường Catinat. Các thầy thông, thầy phán, các quý bà quý cô đều chọn đi xe kéo hoặc xe ngựa vì không ồn ào, lên xuống tự do ở bất cứ đâu.
Có tiệc cưới hỏi, viếng thăm người thân, người giàu đi xe hơi thì không kể, còn đa số hạng bình dân thì đi xe ngựa, bao xe khứ hồi, lúc đó gọi là “đi có lợi”.
Với cuộc sống hiện đại, sự có mặt và phổ biến của các loại xe lam, xích lô, xe buýt, rồi sau này là xe ôm, taxi, xe ba gác chở hàng, đã đưa xe thổ mộ lùi dẫn vào dĩ vãng.