Cuộc đời và sự nghiệp của Thanh Lan – Nữ nghệ sĩ tài sắc của âm nhạc và điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975-s1
👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Nhắc đến Thanh Lan, người ta nghĩ ngay đến nữ nghệ sĩ đa tài với nhan sắc khả ái, từng được xem là một nàng “công chúa” xinh đẹp trong giới nghệ thuật Sài Gòn trước năm 1975. Thanh Lan có gương mặt duyên dáng, trẻ trung, nụ cười nồng hậu và đôi mắt đen láy. Điểm đặc biệt nhất trên khuôn mặt Thanh Lan được nhiều người nhớ tới là nốt ruồi duyên đặt ở khoé môi trên khuôn miệng tươi tắn.
Thanh Lan là nữ nghệ sĩ hiếm hoi mà nếu gọi là ca sĩ, hay tài tử điện ảnh đều đúng, vì với vai trò nào cô cũng toả sáng. Với dòng nhạc nào, dù là nhạc Việt, Pháp, Mỹ, dù là nhạc trẻ hay nhạc trữ tình, nhạc quê hương, thì cô cũng để lại trong lòng người hâm mộ những ca khúc gắn với tên tuổi của mình trong suốt hơn 60 năm sự nghiệp.
Ca sĩ Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1948 tại Vinh, sau đó sống ở Hà Nội một thời gian trước khi cùng gia đình vào Sài Gòn năm 1953. Dù không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật như nhiều nghệ sĩ khác, nhưng từ nhỏ Thanh Lan đã được cha mẹ đầu tư cho học hành và theo đuổi âm nhạc bài bản. Đó là vì cô được sinh ra trong một gia đình khá giả, cha mẹ lại là những người yêu thích nghệ thuật, luôn ủng con trong những bước đường nghệ thuật.
Từ khi 9 tuổi, Thanh Lan đã theo học Piano với các sơ ở trường dòng Saint Paul (Sài Gòn). Có một thời gian cô còn là học trò của phu nhân nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Ngoài thời gian học văn hoá, Thanh Lan còn học thêm đàn tranh và dân ca tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ.
Mặc dù, tham gia hoạt động nghệ thuật và nổi tiếng từ sớm, việc học hành của Thanh Lan không hề bị bỏ dở. Từ nhỏ, Thanh Lan theo học chương trình phổ thông bằng tiếng Pháp tại trường Marie Curie, sau đó cô thi đậu vào đại học Văn Khoa, chuyên ngành Ngữ Văn Anh và tốt nghiệp vào năm 1973. Thanh Lan là một trong hai nữ nghệ sĩ nổi tiếng hiếm hoi của Sài Gòn thời đó có bằng đại học trước năm 1975, người còn lại là ca sĩ Hoàng Oanh, cũng tốt nghiệp đại học Văn Khoa. Sau này, nhờ thông thạo cả hai thứ tiếng Anh – Pháp, ngoài việc ca hát, đóng phim, Thanh Lan còn làm MC, phiên dịch, tham gia dẫn các chương trình tiếng Pháp,…
Những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Thanh Lan gắn liền với các chương trình âm nhạc của các đài phát thanh và đài truyền hình. Khi mới 12 tuổi, Thanh Lan trở thành một trong những giọng ca chính trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức, thường hát trên đài phát thanh Sài Gòn.
Sau ban Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh – sinh viên Nguồn Sống. Ngoài ra, cô còn nhiều lần tham gia hát cho ban Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, chuyên hát các ca khúc ngoại quốc biểu diễn cho khách nước ngoài. Sau này, ban nhạc Hải Âu tiên phong phát triển theo khuynh hướng Việt hoá nhạc trẻ thay cho nhạc ngoại quốc vốn thịnh hành trước đó, nhưng Thanh Lan không còn tham gia vì chỉ muốn tập trung hát trên truyền hình và thu thanh.
Những năm 1967 – 1968, khi những chương trình truyền hình đầu tiên của Sài Gòn phát sóng, Thanh Lan có mặt trong các chương trình văn nghệ học đường của đài, chuyên hát trong các tiết mục dân ca ba miền. Sau này, thấy cô hát tốt, các chương trình mời cô hát thêm nhạc trữ tình và nhạc trẻ.
Thanh Lan tâm sự, thời gian học tại đại học Văn Khoa và hát cho đài truyền hình là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời cô, bởi trường Văn Khoa nằm sát bên đài truyền hình. Mỗi ngày, sau giờ tan học, Thanh Lan chỉ cần đi bộ vài bước là qua tới đài truyền hình, thay bộ áo dài nữ sinh bằng bộ áo dài hoạ tiết rồi trình diễn. Diễn cho đài truyền hình, cô cũng không phải chịu nhiều áp lực như khi diễn sân khấu.
Khi mới là sinh viên năm nhất đại học Văn Khoa, Thanh Lan đã là một ca sĩ rất ăn khách, tham gia hát trong rất nhiều băng dĩa nhạc, hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên các bìa bản nhạc bày khắp nơi. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc tham gia trong ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà – là bạn nhạc có khuynh hướng nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn. Sau khi ban Hải Âu tan rã thì nhạc sĩ Lê Hựu Hà mới thành lập ban nhạc nổi tiếng Phượng Hoàng.
Từ khoảng cuối thập niên 1960, Thanh Lan kết hợp cùng với ca sĩ Nhật Trường trở thành đôi song ca rất ăn ý, thường trình diễn các ca khúc nhạc vàng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Nhắc đến Thanh Lan, người ta nhớ đến nhiều tình khúc nhạc Pháp mà thời kỳ sau 1975 đã được ca sĩ Ngọc Lan tiếp nối. Thanh Lan từng cho biết lý do cô hát nhiều nhạc Pháp là vì đã được học trường Pháp đến 15 năm nên có nhiều gắn bó với nền văn hóa Pháp. Hơn nữa vào thời đó đã có rất nhiều người hát nhạc Mỹ nên cô chọn hát nhạc Pháp.
Trước 1975, Thanh Lan hợp tác thu âm với hầu hết các trung tâm, hãng băng dĩa nhạc nổi tiếng thời đó như: Dĩa Hát Việt Nam, Nhạc Ngày Xanh, Sơn Ca, Shotguns, Sóng Nhạc, Diễm Ca, Phạm Mạnh Cương, Nghệ thuật – Tâm Anh, Thương Ca, Nhã Ca, Premier, Trường Sơn, Continental,…
Năm 1973, Thanh Lan được mời tham dự Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo, Nhật Bản cùng hai vị nhạc sĩ nổi danh là Phạm Duy và Ngọc Chánh. Tại Nhật, Thanh Lan có màn trình diễn ấn tượng ca khúc “Tuổi Biết Buồn”, sáng tác chung của hai vị nhạc sĩ, góp phần đưa ca khúc đến vòng chung kết tại Đại hội âm nhạc. Sau đại hội, Thanh Lan được mời ở lại Nhật để thu thanh thêm hai ca khúc là “Ai no hio Kesanaide” và “Tuổi Mộng Mơ” (tiếng Nhật là “Yume o Miruno” ) của nhạc sĩ Phạm Duy.
Cũng trong thời gian này, Thanh Lan có bài thơ mang tên Lan Buồn, nói về tâm sự của chính mình, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và Thanh Lan đã hát trong băng Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Click để nghe Thanh Lan hát Lan Buồn trước 1975
Năm 1974, Thanh Lan được trao tặng giải Kim Khánh với danh hiệu “Nữ tài tử đẹp nhất Sài Gòn”. Tên tuổi của Thanh Lan phủ sóng trên khắp các mặt báo. Cô liên tục nhận được những lời mời biểu diễn từ cả trong và ngoài nước.
Biến cố năm 1975, Thanh Lan ở lại Việt Nam, sau vài năm gián đoạn, cô tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Khi tên tuổi và vị thế không còn được như cũ, Thanh Lan đi diễn khắp nơi theo các đoàn hát nổi tiếng thời đó như: Đoàn Kim Cương, Bông Hồng, Hương Miền Nam,… và được người hâm mộ đón nhận.
Từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, khi âm nhạc Việt đã bước qua khỏi giai đoạn đóng băng, bắt đầu rộn ràng trở lại, Thanh Lan tiếp tục là cái tên quen thuộc trên các sân khấu ca nhạc Sài Gòn và các tỉnh. Năm 1991, đêm nhạc Tiếng hát Thanh Lan được tổ chức tại sân khấu ngoài trời 4A của Nhà Văn Hoá Thanh Niên thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ. Nối tiếp thành công, năm 1992, Thanh Lan tiếp tục làm “Đêm nhạc Thanh Lan” tại hội trường 1 Nhà Văn Hoá Thanh Niên. Thời gian này, Thanh Lan cũng nhận được khá nhiều hợp đồng thu thanh với các hãng băng nổi tiếng của Sài Gòn như: Hãng Bến Thành Audio, Sài Gòn Audio, Phương Nam Phim, Hãng Phim Trẻ, Phú Nhuận, Vafaco,…
Đến năm 1993, Thanh Lan theo đoàn nghệ thuật qua Mỹ để dự lễ ra mắt bộ phim Tình Người, trong đó Thanh Lan đóng chung với Lê Tuấn. Cô bất ngờ trốn ở lại và xin định cư tại California, bỏ lại nhiều dự án còn đang dang dở tại Việt Nam.
Đến Mỹ, Thanh Lan tiếp tục tham gia các chương trình âm nhạc biểu diễn cho người Việt tại các tiểu bang và hợp tác thu âm, ghi hình với các hãng băng đĩa như: Thuý Nga, Asia, Mây.
Năm 2017, Thanh Lan lần đầu trở lại Việt Nam sau 25 năm vắng bóng trên sân khấu âm nhạc trong nước. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng cô trở về biển diễn trong nước.
Gần đây nhất, năm 2019, Thanh Lan bất ngờ xuất hiện trong chương trình truyền hình nổi tiếng Ký Ức Vui Vẻ của MC Lại Văn Sâm. Ở tuổi 71, Thanh Lan vẫn giữ được vẻ thon gọn, trẻ trung và quyến rũ của nữ nghệ sĩ đình đám một thời. Cô trình diễn lại hai ca khúc nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của mình là Triệu Đoá Hồng và Em Đẹp Nhất Đêm Nay.
Click để nghe nhạc Thanh Lan hát trước 1975
Nữ nghệ sĩ đa tài
Không chỉ trong âm nhạc, Thanh Lan còn là nữ nghệ sĩ nổi tiếng hiếm hoi thành công cả trong lĩnh vực điện ảnh và sân khấu trước và sau năm 1975.
Song song với ca hát, Thanh Lan bắt đầu tham gia đóng kịch từ khi còn nhỏ. 18 tuổi, Thanh Lan đã được tin tưởng giao nhiều vai diễn chính trong các vở kịch truyền hình, do ban kịch Vũ Đức Duy dàn dựng. Cô đảm nhận nhiều vai diễn khá nặng ký như vai một cô gái bị tâm thần nhẹ trong vở kịch của tác giả Vũ Khắc Khoan, trình diễn tại sân khấu rạp Thống Nhất, sân khấu Viện Đại Học Đà Lạt, và phát trên truyền hình, cùng nhiều diễn viên tên tuổi thời đó như Vũ Đức Duy, Nguyễn Lập Chí, Lê Cung Bắc. Trước năm 1975, Thanh Lan tham gia trình diễn nhiều vở kịch, có thể kể đến như: Mắc Lưới, Người Viễn Khách Thứ Mười, Chiếc Độc Bình Khang Hy, Chuyến Tàu Mang Tên Dục Vọng,.. Sau năm 1975, cô tiếp tục tham gia trình diễn, thu âm một số vở kịch ngắn của đoàn ca nhạc điện ảnh Sài Gòn.
Sau khi đến Mỹ, Thanh Lan nhiều lần đảm nhận vai nữ chính trong các vở kịch biểu diễn cho người Việt xem như: Lá sầu riêng, Lôi vũ, Đoạn Tuyệt, Lồng Đèn Đỏ, Phù Dung Tự, Sân Khấu Về Khuya. Cô cũng thể hiện tài năng viết kịch bản của mình khi cho ra mắt ba vở kịch vui là: Công Tử Bạc Liêu (diễn cùng Ái Vân), Look Alike (diễn với Mạnh Đình) và Chuyện Vui Ngày Xuân (diễn cùng Mai Lệ Huyền).
Bộ phim đầu tiên đưa tên tuổi Thanh Lan vào địa hạt điện ảnh có thể kể đến là bộ phim Tiếng Hát Học Trò của đạo diễn Thái Thúc Nha, do hãng phim Alpha sản xuất. Vai nữ chính trong phim đã đem đến cho Thanh Lan giải thưởng nữ diễn viên nhiều triển vọng nhất của Giải Thưởng Văn Ngọc Nghệ Thuật 1971. Trong vòng 5 năm sau đó từ 1970 đến 1975, Thanh Lan liên tiếp góp mặt trong 10 cuốn phim khác nhau gồm 2 bộ phim truyền hình và 8 bộ phim điện ảnh.
Trong đó, có hai bộ phim truyền hình là Mộng Thường (1973) và Trên Đỉnh Mùa Đông (1972), Thanh Lan đóng chung với Nhật Trường – Trần Thiện Thanh. Phim do Nhật Trường viết kịch bản kiêm đạo diễn, đài truyền hình Sài Gòn phát sóng.
Ngoài ra, Thanh Lan còn đảm nhận vai nữ chính cùng hai bạn diễn người Nhật trong một bộ phim do hãng phim Amino Nhật và đạo diễn người Nhật thực hiện. Phim quay vào đầu năm 1975, ban đầu được lấy tên là Number Ten Blues, sau đổi tên thành Goodbye Saigon. Tuy nhiên, theo Thanh Lan, sau khi phim hoàn thành, do mâu thuẫn giữa đạo diễn và nhà sản xuất nên phim không được trình chiếu ngay mà phải đến 28 năm sau, tức năm 2013, bộ phim mới được đem ra hoàn thiện và trình chiếu lần đầu tiên tại Kukuoka (Nhật Bản) trong Liên hoan phim các nước Á Châu. Thanh Lan cũng được mời sang tham dự liên hoan và chứng kiến tác phẩm có sự diễn xuất của mình đoạt giải “Phim được khán giả yêu thích nhất”.
6 bộ phim khác còn lại gồm: Lệ Đá (1971), Ngọc Lan (1972), Gánh Hàng Hoa (1972), Xin Đừng Bỏ Em (1973), Xóm Tôi (1973), Trường Tôi (1973).
Từ năm 1984 đến năm 1989, khán giả Việt nhớ tới Thanh Lan qua một loạt bộ phim đình đám, ăn khách nhất của điện ảnh Việt như: Ván Bài Lật Ngửa (các tập 4,5,6,7,8 – đạo diễn Lê Hoàng Hoa) đóng thay nữ diên viên Thuý An, phim Bài Hát Đâu Chỉ Là Nốt Nhạc (đạo diễn Nguyễn Xuân Thành), Ngoại Ô (đạo diễn Lê Văn Duy), phim Đằng Sau Một Số Phận (đạo diễn Lê Hoàng Hoa),..
Năm 1993, bộ phim Đan Thanh do Thanh Lan tự viết kịch bản và làm đạo diễn, dự định được khởi quay, với hai nam diễn viên chính là Lê Cung Bắc và Nguyễn Chánh Tín. Tuy nhiên, dự án đã bị bỏ ngang vì quyết định ở lại Mỹ của Thanh Lan.
Về cuộc sống riêng, Thanh Lan trải qua một cuộc hôn nhân duy nhất khi cô mới 20 tuổi, tuy nhiên cô thừa nhận đó là sự bồng bột tuổi trẻ và họ ly dị nhanh chóng chỉ sau 3 năm chung sống, có chung một người con gái. Từ đó về sau, Thanh Lan khép kín trong chuyện tình cảm và không bao giờ công khai chuyện riêng của mình một lần nào nữa.
Những bài hát gắn liền với tên tuổi Thanh Lan trước năm 1975:
Trong làng nhạc Sài Gòn trước 1975, ở phía bên nam ca sĩ có Elvis Phương, còn bên ca sĩ nữ có Thanh Lan, là 2 người hiếm hoi đã thành công với tất cả các thể loại nhạc trước 1975, từ nhạc trẻ, nhạc Pháp-Mỹ, nhạc tiền chiến, nhạc dân ca, tình ca và cả nhạc vàng bolero…
Trước năm 1975, Thanh Lan cũng là một trong những ca sĩ thu âm trong băng dĩa nhiều nhất, lên đến gần 1000 bản thu. Không dễ để có thể chọn ra những bài hát tiêu biểu nhất của Thanh Lan từ số lượng bản thu lớn đến như vậy trong thời kỳ này.
Với quan điểm cá nhân của người viết, xin chọn ra 20 bài hát tiêu biểu của Thanh Lan được thu âm trước 1975, trong đó có 10 bài hát trữ tình – tiền chiến, và 10 bài nhạc vàng đại chúng sau đây.
Nhắc đến Thanh Lan là nhắc đến nhạc Pháp, thậm chí để phân biệt cô với một nữ ca sĩ Thanh Lan khác thuộc thế hệ trước, người ta thường gọi là “Thanh Lan Nhạc Pháp”. Tuy nhiên trong 20 ca khúc này, xin không đưa nhạc Pháp vào, mà để dành cho một bài viết sau.
Những Ngày Xưa Thân Ái – Phạm Thế Mỹ
Bài hát này đã gắn liền với tên tuổi của 2 nam danh ca nhạc vàng là Chế Linh và Duy Khánh. Hãy cùng thưởng thức bài hát đầy hoài niệm này qua giọng hát trong trẻo và thanh thoát của Thanh Lan vào đầu thập niên 1970:
Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai?
Gió mùa Xuân êm đưa rung hàng cau lưa thưa.
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?
Click để nghe Thanh Lan hát Những Ngày Xưa Thân Ái trước 1975
Mùa Đông Của Anh – Trần Thiện Thanh
Từ khoảng cuối thập niên 1960, Thanh Lan cùng với Nhật Trường – Trần Thiện Thanh trở thành một cặp đôi đẹp trên sân khấu kịch, điện ảnh và là đôi song ca nhạc vàng được mến mộ. Thanh Lan đã hát rất nhiều bài nhạc vàng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác, tiêu biểu là Người Ở Lại Charlie, Từ Đó Em Buồn, và Mùa Đông Của Anh:
Ngày nào em yêu anh, em đã quen trong cay đắng tuyệt vời.
Ngày nào anh yêu em, anh đã quên với trời hạnh phúc mới…
Click để nghe Thanh Lan hát Mùa Đông Của Anh trước 1975
Từ Đó Em Buồn – Trần Thiện Thanh
“Từ Đó Em Buồn” là bài nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được yêu mến qua tiếng hát Thanh Lan trước năm 1975. Nội dung của bài hát là câu chuyện có thực được chính nhạc sĩ kể lại trong một buổi phỏng vấn như sau:
Hồi xưa, khi học trường Trung học Phan Bội Châu ở Phan Thiết. Ông có cô bạn cùng lớp. Cô này có bà chị rất xinh đẹp, là giai nhân của thành phố biển và có người yêu tập kết ra Bắc vào năm 1954. Chàng hứa hẹn hai năm sau sẽ về cưới nàng làm vợ. Nàng chờ đợi người tình suốt 10 năm, nhưng bóng hình người yêu vẫn biệt vô âm tín. Một hôm, nàng nhận được tin khủng khiếp, anh ta đã bỏ mình trong rừng sâu núi thẳm. Tin tức như sét đánh bên tai, nàng đau khổ vô cùng. Bao năm qua, người đẹp thương yêu, nhung nhớ, đợi chờ người tình hồi hương. Trong phút chốc, hy vọng, mong đợi mòn mỏi của má hồng đã trở thành mây khói…
Khi kể xong câu chuyện, Trần Thiện Thanh cảm thán: Liệu tình yêu trai gái kia, liệu nỗi buồn của người đẹp, liệu sự chờ đợi của giai nhân với anh chàng tập kết kia, có đặt đúng chỗ hay không?
Từ biệt nhau đi giữa mùa trăng xẻ đôi
Lúc tình mới thành lời
Trông nhau lần cuối, nước mắt tuôn mặn môi
Nước mắt chia đôi đời…
Click để nghe Thanh Lan hát Từ Đó Em Buồn trước 1975
Hai Vì Sao Lạc – Anh Việt Thu
Bài hát này gắn liền với tên tuổi ca sĩ Tuấn Vũ thập niên 1990. Còn trước năm 1975, người đầu tiên hát bài này là Hoàng Oanh, sau đó cũng được yêu mến qua tiếng hát Thanh Lan:
Người về, một mùa thu gió heo may
Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh
đưa tiễn người một đêm không trăng
Nói sao nên lời
lòng buồn như chiều rơi
Như trong đêm khuya những buớc chân qua thềm
Gợi niềm thương nhớ vô vàn…
Click để nghe Thanh Lan hát Hai Vì Sao Lạc trước 1975
Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ – Hoàng Thi Thơ
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có những ca khúc được viết theo lối kể chuyện rất độc đáo, nhắc về cuộc đời, cuộc tình buồn của những người con gái, đó là Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng, Chuyện Người Trinh Nữ Tên Thi, và Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ.
Nhiều năm qua, có nhiều khán giả yêu mến ca khúc này đã thắc mắc “Bến Hạ” là bến nào và ở đâu? Thực ra đây có lẽ là một cái tên tưởng tượng, và Bến Hạ cũng có thể là bất kỳ một bến sông nào đó ở miền sông nước đã từng chứng kiến bao nhiêu chuyện tình buồn đã đi qua.
Một xóm nghèo ven sông
Có con đò tên là đò bến Hạ
Một gái nghèo đoan trang
Nhan sắc nàng như là một đóa hoa
Click để nghe Thanh Lan hát Chuyện Tình Cô Lái Đò Bến Hạ trước 1975
Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi – Hoàng Thi Thơ
Khác với bài Cô Lái Đò Bến Hạ, nói về một chuyện tình mang tính tượng trưng, thì bài hát Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi nói về một người con gái rất cụ thể, một người tên Thi, cụ thể đó là cô vũ nữ tên là Kim Lệ Thi, từng có mặt trong đoàn vũ Lưu Hồng đã cộng tác với phòng trà Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Chứng kiến chuyện tình oan trái của cô Thi, nhạc sĩ đã cảm thương và viết thành 3 ca khúc có nội dung gần giống nhau, đó là Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng và Mối Tình Bất Diệt, trong đó nổi tiếng nhất là bài Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi đã gắn liền với tên tuổi Thanh Lan.
Thuở ấy xa xưa có một nàng một nàng thiếu nữ
Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn
Cuộc đời hồng nhan cay và đắng thôi thì lắm trái ngang…
Click để nghe Thanh Lan hát Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi trước 1975
Trăng Thanh Bình – Lam Phương
Bài hát nhạc vàng được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác từ thập niên 1950 này đã gắn liền với tên tuổi danh ca Duy Khánh. Tuy nhiên ca sĩ Thanh Lan cũng tạo được dấu ấn riêng với ca khúc này:
Cùng về đây đêm nay trăng ơi
Xa cung hằng trần thế chơi vơi
Đêm lắng sầu nhìn lá phai mầu
tình lúa trăng ơi chan chứa đêm dài
Click để nghe Thanh Lan hát Trăng Thanh Bình trước 1975
Ngày Buồn – Lam Phương
Một ca khúc thật buồn của nhạc sĩ Lam Phương:
Click để nghe Thanh Lan hát Ngày Buồn trước 1975
Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu.
Còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ.
Ngăn Cách – Y Vân
Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời
Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài…
Click để nghe Thanh Lan hát Ngăn Cách trước 1975
Một Ngày Tôi Đi Qua – Mai Châu
Bài hát này đã được ca sĩ Hoàng Oanh (cũng là người bạn đời của nhạc sĩ Mai Châu) hát rất hay vào thập niên 1980. Trước 1975, bài hát này đã được Thanh Lan trình bày:
Click để nghe Thanh Lan hát Một Ngày Tôi Đi Qua trước 1975
Một ngày tôi đi qua trại lính ngang nhà,
thấy một lá cờ với một vòng hoa…
- 10 bài nhạc tình ca:
Mộng Sầu – Trầm Tử Thiêng
Ca sĩ Thanh Lan đã từng có thời gian gắn bó rất thân thiết với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, và là người đầu tiên hát nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ này, như Tưởng Niệm, Hối Tiếc, đặc biệt là Mộng Sầu:
Click để nghe Thanh Lan hát Mộng Sầu trước 1975
Tình mình bây giờ như mưa trên sông
Mưa đầu sông, mưa cuối sông
Tình mình bây giờ như cơn gió đông,
Gió đầu đông, gió cuối đông
Đừng Bỏ Em Một Mình – Phạm Duy
Một trong những ca khúc buồn nhất của nhạc Việt, là nỗi lòng, tâm sự của một người con gái đã nằm dưới mộ.
Câu hát “đừng bỏ em một mình” được lặp lại liên tục trong bài hát, làm tăng thêm phần ai oán, bi thương, như là đặt người nghe vào đúng bối cảnh của trời lạnh và gió thúc, nghe rõ từng lời cầu kinh đưa người về sâu đất lạnh:
Lời nào đó lời nào đó
tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
nhạc nào đó nhạc nào đó
nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn
Click để nghe Thanh Lan hát Đừng Bỏ Em Một Mình trước 1975
Gọi Người Yêu Dấu – Vũ Đức Nghiêm
Bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và nổi tiếng qua giọng hát Thanh Lan. Tác giả bài hát kể lại như sau:
“Tôi viết Gọi Người Yêu Dấu vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi. Tôi đưa cho cô và may mắn Thanh Lan đã đem về hát ở Đài Truyền Hình và các Đài Phát Thanh. Từ đó nhạc phẩm đuợc giới trẻ biết đến. Tôi rất nhớ ơn Thanh Lan đã chắp cánh cho Gọi Người Yêu Dấu của tôi đuợc bay xa và bay cao”.
Click để nghe Thanh Lan hát Gọi Người Yêu Dấu trước 1975
Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi
thương người xa xôi…
Tuổi Biết Buồn – Phạm Duy & Ngọc Chánh
Năm 1973, Thanh Lan được mời tham dự Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo, Nhật Bản cùng hai vị nhạc sĩ nổi danh là Phạm Duy và Ngọc Chánh. Tại Nhật, Thanh Lan có màn trình diễn ấn tượng ca khúc “Tuổi Biết Buồn”, sáng tác chung của hai vị nhạc sĩ ahf, góp phần đưa ca khúc đến vòng chung kết tại Đại hội.
Buồn đã tới rồi, một buổi sáng mưa rơi
Mưa đã cuốn mây về dĩ vãng xa vời
Ôi những bước chân chim có nhớ vườn hồng,
Nhớ khung cửa song, và còn nhớ tới em không?
Click để nghe Thanh Lan hát Tuổi Biết Buồn trước 1975
Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa – Lời Việt Phạm Duy
Cả lời Việt lẫn lời Pháp của ca khúc bất hủ này, có lẽ hiếm có ai hát hay hơn ca sĩ Thanh Lan:
Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi…
Click để nghe Thanh Lan hát Ôi Giàn Thiên Lý Đã Xa trước 1975
Thu Vàng – Cung Tiến
Thu Vàng và Hoài Cảm có thể xem là 2 ca khúc đầu tiên nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Cung Tiến, được ông sáng tác khi mới 15 tuổi, và đều được xếp vào hàng tuyệt phẩm của nhạc Việt:
Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương…
Click để nghe Thanh Lan hát Thu Vàng trước 1975
Bài Không Tên Số 2 – Vũ Thành An
Bài hát buồn dành cho chuyện tình có thật của chính nhạc sĩ Vũ Thành An. Trong toàn bộ bài hát thì có 3 câu hát sau đây là nổi tiếng nhất, có thể xem là nhân tố quan trọng nhất mang lại sự thành công cho Bài Không Tên Số 2:
Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều,
Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo…
Chỉ 3 câu ngắn gọn những thể hiện được đầy đủ ý nghĩa về nhân duyên của một người con gái, xưa cũng như nay: Thời thiếu nữ mộng ước rất cao vời, nhưng trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng thì hành trang mang theo chỉ là một khối u tình, thường là không trọn vẹn.
Click để nghe Thanh Lan hát Bài Không Tên Số 2 trước 1975
Tình Thiên Thu – Lam Phương
Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương còn có tên khác là Trăm Nhớ Ngàn Thương:
Mất anh rồi xa anh rồi
Hoa đã tàn nhụy đã phai
Chiều hôm nay trời thanh vắng
Em đi về, về với ai…
Click để nghe Thanh Lan hát Tình Thiên Thu trước 1975
Mất Nhau Mùa Đông – Anh Bằng
Bài hát có giai điệu và lời ca khá lạ lẫm so với dòng nhạc Anh Bằng mà người ta thường biết đến:
Anh có nghe mưa rơi
từng cơn đau vời vợi
Trọn mùa đông đơn côi
trọn mùa đông không vui
Tình này riêng cho ai
Tình cao hơn núi đầy
Vụt đi vào huyền thoại
Click để nghe Thanh Lan hát Mất Nhau Mùa Đông trước 1975
Lan Buồn – Phạm Duy (thơ Thanh Lan)
Bài hát này có có tên khác là Tâm Sự Thanh Lan, hoặc Khúc Lan Sầu, vốn là một bài thơ của chính Thanh Lan sáng tác và nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Lời thơ, lời nhạc như là lời tâm sự của Thanh Lan về hoàn cảnh của chính mình:
Click để nghe Thanh Lan hát Lan Buồn trước 1975
Nắng hạ chan hòa
Ánh mắt chói chang,
chói chang tình ái
Tôi đã cho mà không tiếc nuối
Tôi đã cho mà không tiếc nuối
…
Tôi được gì?
Được gì?
Được gì đây?
Từng bước lê, từng bước lê trên đường tình mù mịt
Để tới đâu, để tới đâu, nơi đỉnh cao hay vực sâu
Rồi ngoái nhìn, rồi ngoái nhìn thấy mình bơ vơ mãi, bay mãi…
Từng bước lê, từng bước lê không hy vọng ngày mai…