SG Ky Uc

Hình ảnh bên trong Đài truyền hình Sài Gòn (THVN9) và những chiếc Ti-vi đầu tiên ở Việt Nam thập niên 1960

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Kênh truyền hình quốc gia của miền Nam xưa có tên chính thức là Đài Truyền hình Việt Nam, hay còn gọi là Đài Truyền hình Sài Gòn (Vietnam Television Studio), phát sóng trên băng tần số 9 nên thường được gọi tắt là THVN9.

Được thành lập vào năm 1965, đài truyền hình Việt Nam – THVN9 có buổi phát hình đầu tiên vào lúc 19 giờ ngày 7 tháng 2 năm 1966, có hình ảnh trắng đen với tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình Hệ FCC – điều tần tiếng 4,5 MHz.

Một chuyện gia người Mỹ hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật viên trong trường quay chính

Trong buổi phát hình đầu tiên của Việt Nam, phi cơ vận tải Super Constellation chở hàng tấn máy móc rời phi trường Tân Sơn Nhứt lên tới độ cao nhất định tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32km rồi từ đó bay theo một lộ trình không thay đổi, lặp lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/giờ. Phi cơ bay suốt bốn giờ liên tục từ 19 giờ đến 23 giờ mới hạ cánh lại Tân Sơn Nhất. Kỳ phát hình đó ghi hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và đại sứ Mỹ Cabot Lodge.

Dân Sài Gòn xem truyền hình công cộng tại một chiếc ti-vi nhỏ ở Bến Bạch Đằng

Từ 20 giờ, phi cơ lại cất cánh phục vụ cho chương trình truyền hình thứ nhì dành cho quân đội Mỹ đến 23 giờ. Trong phi cơ có hai máy truyền hình mạnh 2.000kW, hai máy thu hình và tiếng vào băng, hai hệ thống kiểm soát âm thanh, hai hệ thống vô tuyến điện ảnh dùng phim 16 ly. Các làn sóng điện đem theo hình ảnh và âm thanh có thể được tiếp nhận tới các nơi xa Sài Gòn như Campuchia (cách 120 km), Đà Nẵng (608 km), Cà Mau (206 km). Tuy nhiên ở Sài Gòn và tỉnh lân cận mới có thể tiếp nhận sóng truyền hình hoàn hảo.

Vào khoảng cuối năm 1967, hệ thống truyền hình này được mở rộng hơn, hai máy bay Super Constellation được thay bằng máy bay Blue Eagle.

Trụ sở thu hình lúc đầu dùng chung cơ sở của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia số 9 trên đường Thi Sách, đến năm 1967 thì tách ra thành Phòng Điện ảnh và Phòng Truyền hình riêng.

Vào tháng 3/1968, khi đài truyền hình mới đã được xây xong tại số 9 Hồng Thập Tự (nay là góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Đinh Tiên Hoàng) thì nhờ có trụ phát sóng cao nên hình ảnh được rõ ràng, không còn mờ rung như khi phát hình bằng máy bay nữa. Từ đó các chương trình đầy đủ và phong phú hơn.

Giám đốc đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam là Trung tá Đỗ Việt, Phó Giám đốc là Lê Hoàng Hoa.

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa – phó giám đốc phụ trách sản xuất của đài truyền hình VNCH – và nữ thư ký

Cùng lúc với việc thiết lập đài Truyền hình Việt Nam là đài của Quân đội Hoa Kỳ phát bằng tiếng Anh, lúc đầu gọi là AFRTS (Armed Forces Radio Television Service), đến năm 1967 thì đổi là AFVN (Armed Forces Vietnam Network).

Không ảnh khu vực Đài truyền hình Việt Nam và Đài Truyền Hình Quân đội Mỹ

Đài THVN được phát trên băng tần số 9 trong khi đài AFVN phát tín trên băng tần số 11. AFVN đã trình chiếu hình ảnh phi hành gia Neil Armstrong đáp xuống Mặt Trăng năm 1969 cho khán giả ở Miền Nam xem.

Ông Robert C. Gassert, chuyên gia truyền hình Mỹ giám sát kỹ thuật viên Việt Nam khi vận hành máy ghi băng Ampex

Đài truyền hình dân sự thứ hai được thiết lập sau đài Sài Gòn là đài địa phương Cần Thơ rồi lần lượt thêm những đài khác ở Quân khu I và II. Sang thập niên 1970 miền Nam đã đó có tới năm đài truyền hình trong khi ở miền Bắc truyền hình chưa hết giai đoạn thử nghiệm và đến năm 1971 mới bắt đầu thiết lập.

Ngoài Đài chính ở Sài Gòn, miền Nam còn có bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Qui Nhơn, Nha Trang và Cần Thơ.

Kỹ thuật viên xử lý phim 35mm Houston Peerless trong phòng tối để chuẩn bị cho công đoạn biên tập

Đến đầu thập niên 1970, thời lượng phát hình của Đài Truyền hình Sài Gòn là sáu giờ mỗi ngày vào buổi chiều, 80% dân chúng ở Miền Nam có thể bắt sóng xem được. Tính bình quân cứ mỗi 50 người dân thì có một ti vi; lúc này ước tính có tổng cộng hơn 350.000 máy trên toàn miền Nam. Ngân sách của THVN vào năm 1970 là 1,3 triệu USD.

Chuyên gia sản xuất chương trình truyền hình người Mỹ Wyndham P. Duncan điều chỉnh chiếc microphone trên cao trong lúc hai diễn viên người Việt mặc đồ cổ trang ngồi trước phông cảnh, trước khi buổi ghi hình bắt đầu

THVN9 mở đầu mỗi buổi phát hình với câu: “Đây là đài Truyền Hình Việt Nam, phát hình trên băng tần số 9, xin kính chào quí vị.”

…và kết thúc buổi phát hình với những câu:

“Kính thưa quý vị, chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam tối nay, đến đây đã chấm dứt. Với những cố gắng thường xuyên trong các mục thông tin, giáo dục và giải trí, chúng tôi ước mong quý vị đã thưởng thức phần nào chương trình của đài chúng tôi. Xin kính chúc quý vị một đêm yên nghỉ và hẹn tái ngộ cùng quý vị vào tối mai, cũng trên băng tần số 9 của đài chúng tôi. Kính chào quý vị”

Năm 1967, chương trình thời sự của Đài truyền hình đưa tin đầy đủ về cuộc tổng tuyển cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa và Thượng viện năm 1967.

Chương trình giải trí của đài khá đa dạng, trong đó có phần tân nhạc có các chương trình như “Tiếng Tơ Đồng”, “Hương Xưa”, chương trình Phạm Mạnh Cương; chương trình ca nhạc với những ca sĩ tên tuổi nổi tiếng nhất Sài Gòn, chương trình tường thuật thể thao túc cầu; kịch nói với đoàn kịch Túy Hồng; cải lương mỗi thứ Bảy, và cả hát bội. Chương trình truyện dài xã hội và hài hước như “Gia đình Thầy Ký” xuất hiện mỗi tối Thứ Năm với các diễn viên Tú Trinh, Thanh Việt. Nói chung, các chương trình giải trí chiếm khoảng 60% thời giờ phát hình.

Chương trình nhạc Phạm Mạnh Cương phát sóng trên THVN9 quy tụ những tên tuổi lớn của âm nhạc Sài Gòn
Nữ danh ca Quỳnh Giao đàn và hát trước máy quay THVN9

Ngoài ra có những khoản đặc biệt cho các đoàn thể như chương trình Phật giáo “Tiếng chuông chùa” hay chương trình Đắc Lộ của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Ngành giáo dục thì có chương trình “Thế giới Trẻ em” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Ban Tuổi Xanh của nữ nghệ sĩ Kiều Hạnh, và “Đố vui để học” do Vũ Khắc Khoan điều khiển, Đinh Ngọc Mô phụ trách. Đài Truyền hình còn cho phát những chương trình dân vận và quân vận của Chiêu hồi. Phát ngôn viên đài truyền hình có Tuyết Mai, Mai Liên, Nguyễn Đình Khánh

Dưới đây là lịch phát sóng của THVN9 ngày Thứ Năm, 2 tháng 3, 1972:

18g00: Nhạc hiệu, quốc kỳ, giới thiệu chương trình phát hình
18g05: Tin ngắn
18g10: Nhân dân tự vệ
19g00: Thông cáo
9g05: Thời sự hàng tuần
19g15: Nhạc làm quen khán giả
20g00: Tin tức
20g30: Tiếng nói Động viên
21g00: Bình luận
21g10: Tiếng nói Động viên (tiếp theo)
21g30: Điểm báo
21g40: Thời sự quốc tế
21g50: Kịch – Cô gái Hà Tiên của ban Gió Nam
22g30: Tin chọn lọc
22g35: Cô gái Hà Tiên (phần 2)
24g00: Đài hiệu, quốc kỳ

Một số hình ảnh đài THVN9 trước 1975:

Cô Hoàng Thị Lệ Hợp tự kiểm tra băng thâu hình trước khi lên sóng. Cô được đánh giá là một trong những xướng ngôn viên hàng đầu của miền Nam
Một kỹ sư kiểm tra máy ghi băng Amplex khi buổi ghi hình cho bản tin hàng đêm sắp kết thúc

Bác sĩ Hồ Văn Châm, Tổng trưởng Bộ Dân Vận Chiêu Hồi (từ 9/1969 – 4/1973) đang phát biểu trên Đài Truyền Hình Sài Gòn (THVN9) trong dịp Tết Tân Hợi 1971

Nữ nghệ sỹ Phương Ánh chuẩn bị cảnh quay cho Đài Truyền Hình THVN9.

Đài Truyền Hình tổ chức cuộc thi hoa hậu trên truyền hình năm 1967
Ban giám khảo cuộc thi Hoa Hậu Truyền hình năm 1967
Xướng ngôn viên Hoàng Quỳnh Giao
Xướng ngôn viên Hạ Hoàng Vân trong chiếc áo dài do phu nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tặng
Cựu xướng ngôn viên Thảo Trang (tên thật là Hạ Hoàng Vân), là một giọng đọc kỳ cựu tại đài,cho hầu hết chương trình phát thanh của các Quân Binh Chủng
Trưởng ban hình ảnh, người viết bản tin và thư ký thực hiện các công việc theo sự phân công trong phòng tin tức
Hai nữ xướng ngôn viên trong trạng thái sẵn sàng để thâu hình bản tin thường nhật. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 1967
Biên tập viên âm thanh, đạo diễn hình ảnh và người phụ trách thông tin đang xử lý một bản tin cho buổi phát sóng
Ông Hoàng Thái – người phụ trách trường quay – kiểm tra một máy ghi băng Ampex 1100 trước buổi ghi hình của các bản tin
Kho lưu trữ phim
Ngọc Đan Thanh (trái) và Phương Hồng Ngọc trong lúc đang chờ thâu chương trình dành cho thiếu nhi của đài (THVN9)
Ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức năm 1967. Một trong 2 người đứng giữa là nữ ca sĩ Phương Hoài Tâm
Nữ nghệ sĩ Kim Cương bên chiếc máy quay phim màu đầu tiên của đài THVN9
Xướng ngôn viên Ngọc Hoa

Sau đây là đoạn hồi ức của tác giả Phạm Công Luận, kể một kỷ niệm về cái TV đầu tiên:

Khi ba mở ti vi trong thùng ra, anh em tôi hét lên vang xóm và lập tức trẻ con trong hẻm chạy đến ngay, bu đầy cửa cái và cửa sổ.

Đây là cái ti vi thứ hai của xóm mà ba tôi mua với giá 5.075 đồng tiền lúc đó, mua lại của một người quen đang cần tiền bán gấp. Trước đó, chỉ có nhà một ông chủ sự (trưởng phòng) tại Air Vietnam làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhứt mới mua nổi.

Quảng cáo TV ở Sài Gòn xưa

Đến giờ, tôi vẫn nhớ những chương trình thật hay của Đài truyền hình Sài Gòn trong suốt tuổi thơ của mình. Đó là chương trình ca nhạc thiếu nhi Tuổi Xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh, chương trình Quê Ngoại đậm đà tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn. Về ca nhạc có chương trình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với nhạc kịch Ả Đào Say, ban hợp ca Thăng Long với các ca khúc Ly Rượu Mừng, Ngựa Phi Đường Xa… Cải lương thì ban Dạ Lý Hương, ban Thanh Minh – Thanh Nga… Xem qua đài Mỹ thì có các phim Wild wild west, Combat, Lạc trong không gian, Lỗ tai lừa… Thời sự chiến tranh hay các chương trình của người lớn thì lứa chúng tôi còn nhỏ nên không màng tới.

Sắm ti vi trở thành niềm mơ ước của nhiều gia đình miền Nam lúc đó. Máy truyền hình (TV) đã xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên năm 1966. Một chiếc Denon, 12 inches, giá 16.500 đồng, 19 inches: 30.000 đồng… Thời gian sau đó nhà nhà đều có ti vi. Ai không có thì đi coi cọp. Ăng ten mọc dày đặc hướng loạn trên các mái nhà, nhất là ở các tỉnh. Những chương trình được hâm mộ nhất là cải lương và… đài Mỹ, Batman xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm. Lúc đó điện còn yếu, mỗi nhà một survolteur cho ti vi”.

chuyenxua.net biên soạn