👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Đó là những năm tháng chúng tôi ở trong khu tập thể của cán bộ trung và cao cấp của Văn phòng Trung ương, mặc dù vậy, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng không tránh được những khó khăn chung của đất nước. Chúng tôi sống một cuộc sống vô tư như biết bao thanh niên và chứng kiến những thăng trầm của một Hà Nội sau chiến tranh.
Cuộc sống hằng ngày với gia đình
Nấu cơm
Hằng ngày chúng tôi phải cơm nước cho gia đình ở bếp tập thể, đun nấu đều bằng củi, mùn cưa, thậm chí bằng lá xà cừ phơi khô mà chiều chiều sau giờ học bài, chúng tôi lại cùng nhau đi quét từ phố Nguyễn Cảnh Chân rồi vòng ra đường Hoàng Văn Thụ là những phố vừa có nhiều cây xà cừ vừa vắng người qua lại.
Quét được lá xong, chúng tôi nhét chặt bao tải rồi mới kéo về phơi ở sân chung của khu tập thể. Về sau mới có dầu hỏa để đun, từ khi được đun nấu bằng dầu hỏa, chúng tôi thấy cuộc sống có phần hiện đại và tươi đẹp hơn.
Đằng trước hành lang chung, mỗi nhà có một cái thùng gỗ trong đó để một hoặc hai chiếc bếp dầu, khi nấu xong lại đậy nắp thùng lại và khóa cẩn thận. Sau một thời gian dùng thì phải lau bếp, thông bấc và cắt đi những đoạn bấc bị cháy thui, khi nào hết bấc lại đi mua bấc mới thay vào bếp. Vỏ bếp dùng được lâu hơn, khi nào bị han, gỉ mới thay. Bây giờ trên phố Hàng Thiếc vẫn thấy bán bếp dầu kiểu đó.
Tôi nhớ mỗi nhà chỉ rộng khoảng từ 20 đến 24 m2 mà dưới gầm giường chất đầy củi. Vì củi cũng mua bằng tem phiếu nên phải cất củi trong nhà cẩn thận, mất thanh nào là ảnh hưởng đến nồi cơm của mỗi gia đình.
Đi chợ
Tôi là con gái nên mọi việc chợ búa trong nhà thường đến tay mình, từ dầu, gạo đến thực phẩm. Từ khi Nhà nước bán dầu hỏa thì hằng tháng mọi người phải đi mua dầu ở cửa hàng chất đốt. Nhà nào có người nhà công tác trong quân đội thì có cái can sắt 10 lít, nếu không thì phải mua bằng can nhựa cũ vàng khè hoặc phải đong vào nhiều chai cũ. Khổ nhất là những đứa con gái như chúng tôi đi mua dầu bằng xe đạp thì phải chia can hoặc chai dầu rồi buộc làm sao cho cân hai bên ba ga (porte-bagage) phía sau để không quá lệch, khó đi và nhiều khi lại bị bênh cả xe lên do phía sau nặng hơn phía trước… Vì lúc bấy giờ chúng tôi chỉ nặng hơn 30 cân, đứa to béo nhất cũng chỉ hơn 40 cân, đã thế lại phải đi bằng xe đạp người lớn vì làm gì đã có xe đạp cho trẻ con!
Đi mua gạo cũng như vậy, chỉ khác là nhà ai cũng mang một vài cái bao đi mua để con chia gạo riêng, mì riêng vì phải ăn độn.
Khổ nhất là đi mua thực phẩm hằng ngày. Là trẻ con, chúng tôi dậy từ sớm (khoảng 4-5 giờ sáng) để đi ra cửa hàng thực phẩm xếp hàng trước bằng gạch, bằng rổ, rá hoặc rế cũ rồi lại về ngủ tiếp. Đến 6-7 giờ sáng lại đi ra cửa hàng vì giờ đó xe thực phẩm mới về. Nhiều hôm ra thấy đã mất cả chỗ lẫn rổ, rế của mình, đành xếp hàng lại từ đầu.
Vì chúng tôi sống trong tập thể cán bộ nên thỉnh thoảng lại có xe của của hàng mậu dịch chở rau, cá biển hoặc kem của nhà máy kem Hàng Vôi vào phục vụ ngay tại sân khu tập thể.
Mớ rau muống mậu dịch thì to như mớ rạ, không đẹp bằng mớ rau ngoài, nhưng nhà nào mua được vẫn sung sướng vì thường là rau xơ mới, ngon, tuy rất nhiều bèo tấm (chắc là rau hái từ ao hồ trong làng Ngọc Hà).
Còn cá biển thì phần lớn là cá đồng tiến – cá chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, bẹt như đồng 5 xu, mỏng dính và màu trắng ánh bạc (kể ra ai đặt tên cho loài cá ấy cũng đúng ra phết). Cá mua về sau khi bỏ mang, cắt vây, rửa sạch thì cho vào cối xay quay (cối xay thịt bằng gang của Liên Xô), sau đó trộn với ít bột mì và hành, thì là, nắm lại rán là cả nhà đã có bữa chả cá tươi. Gọi là “chả cá” nhưng cá thì ít mà đa phần là bột. Nhà nào có người nhanh chân thì còn mua được mấy con cá mối to to một chút để đem kho. Sau này mới có cá nục hoặc cá hồng, thường rán hoặc kho rồi rán. Món này còn đến ngày nay chứ cái món “chả cá” đồng tiền thì chẳng còn ai ăn nữa.
Đấy là cá, còn về thịt thì nếu mua xương sườn hoặc thịt thủ thì được tính gấp đôi (ô phiếu 500g sẽ được thành 1kg) nên loại đó thường hết trước. Ngoài ra có có ô phiếu thịt chín (chắc là là thịt còn lại hôm trước đem rán) cũng được tính gấp đôi nên nhà nào đông người và có đông con trai thì thường mua loại thịt này cho nó dôi. Tất cả thực phẩm đều phải mua bằng tem phiếu trên đó quy định rõ từng ô cá, ô thịt.
Ngày Tết chúng tôi thường giúp mẹ lo nồi bánh chưng, giò xào, làm mứt, nấu chè kho. Sợ nhất là khâu rửa lá dong và đãi đỗ xanh dưới cái rét cắt da cắt thịt và mưa phùn. Không có nước máy, toàn là nước trữ trong phuy nên nước càng lạnh. Mỗi lần rửa xong là tay bị cước, vừa sưng, vừa đau, vừa ngưa. Trẻ con bây giờ chẳng biết bị cước tay, cước chân là như thế nào.
Nhà nào gói xong nồi bánh chưng, bắc lên bếp là xong nửa cái Tết, còn phải nấu mấy dĩa chè kho, làm ít mứt bí và mứt gừng để còn tiếp khách chứ chỉ có hộp mứt thập cẩm của Mậu dịch với mấy viên lạc bọc đường thì làm sao đủ tiếp khách được vì Tết là dịp mọi người đến nhà nhau chúc Tết rất nhiều. Thời gian nghỉ Tết chỉ được hai ngày rưỡi, mọi người làm việc đến hết sáng 30 Tết, chiều mới được nghỉ về lo sắm Tết. Từ chiều đến tối 30 Tết sao mà lắm việc thế. Mất thời gian nhất là nấu chè kho vì phải khuấy đều tay, lửa nhỏ. Làm mứt bí đao trước vì màu trắng và không có mùi vị gì, sau đó mới làm mứt gừng.
Năm nào cũng đến gần Giao thừa mới xong mọi việc, sau đó đi tắm tất niên với lá mùi và mặc quần áo mới. Nếu muốn xem bắn pháo hoa thì lại phải tính toán xong sớm hơn để còn đi lên Bờ Hồ vì hồi đó chỉ bắn một điểm chứ không bắn ở nhiều điểm như bây giwof. CÓ năm mấy mẹ con đi như chạy từ đầu đường Hoàng Diệu, mới đi đến giữa phố Phan Đình Phùng (đoạn trước vườn hoa Hàng Đậu) đã nghe tiếng “bụp bụp, đùng đùng”. Mẹ bảo: “Thôi, đã bắn pháo hoa rồi”, thế là phải cố chạy lên phố Hàng Giày để nhìn thẳng hướng đường tàu điện Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào để xem pháo hoa bắn ở mãi tít đầu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục phía Hồ Gươm.
Thực ra, các gia đình trong khu tập thể đều có Bìa mua hàng tiêu chuẩn cán bộ trung cấp (loại C), rồi cấp cao (loại B) nên các cửa hàng thực phẩm ở Đặng Dung, Nhà Thờ hoặc Tông Đản, Hữu Nghị đều đảm bảo thực phẩm và hàng hóa cho cán bộ, nhất là dịp Tết Nguyên Đán. Chỉ có điều là ở đâu cũng phải xếp hàng, cấp nào cũng phải xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy, tranh giành chỗ của nhau. Nếu đến lượt rồi mà còn đang mua ở quầy thực phẩm khác thì lại nhường người đứng sau lên mua trước.
Khi đi cửa hàng về chúng tôi thường hỏi nhau thì thấy các hộp bánh, mứt, kẹo, thuốc lá của Bìa B và Bìa C có khác nhau về chủng loại. Đối với các cán bộ cấp cao thì chúng tôi thấy hằng ngày có một chiếc ô tô đi lấy sữa, bánh mì ăn sáng và thực phẩm đựng trong từng hộp để mang đi kiểm nghiệm. Nhưng chúng tôi cũng không quan tâm vì chằng liên quan đến mình, hơn nữa chúng tôi nghĩ các bác làm việc quan trọng thì thức ăn phải cẩn thận và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Chơi thập thể
Dịp dè, trẻ con ở nhà học xong, lo nấu cơm ngày hai bữa rồi ra chơi với nhau, hầu như toàn chơi ở ngoài sân vì thời ấy trong nhà chả có gì chơi cả. Chúng tôi chơi bóng bàn trước sân chung của khu tập thể và chơi bóng chuyền 6 khay ngõ Nguyễn Cảnh Chân. Nhiều lần đang chơi lại thấy bác Ba Duẩn đi làm về, chúng tôi lại rú lên “Bác Ba về đấy, Bác Ba về đấy” để còn ném bóng sang phía khác. Bác đi bộ từ cơ quan Văn phòng Trung ương về nhà, dáng bác Ba cao lớn, bước đi thong thả, đằng sau bao giờ cũng có chú bảo vệ lững thững đi theo, mỗi lần thấy chúng tôi bác đều cười thật hiền hậu và gần gũi… Khi đó chúng tôi chưa hiểu hết mỗi lần đi họp Trung ương về là có bao nhiêu điều lo lắng trong lòng bác Ba. Buổi tối, chúng tôi chơi “Bắn bùm”, hai nhóm đứng nấp ở hai đầu hồi tòa nhà, mỗi nhóm có từ 5-10 người tùy theo số lượng tham gia chơi. Một nhóm hô “Chiến tranh”, nhóm kia hô “Hòa bình”, thế là bắt đầu cuộc chơi, hai nhóm tiến lại gần nhau và tiêu diệt dần quân của nhau. Chả hiểu sao đất nước vừa chiến tranh rồi mà vẫn còn thích trò chơi này, kể cả bọn con gái chúng tôi.
Chúng tôi cứ sống trong cái khu tập thể Trung ương đó và không giao tiếp nhiều với bên ngoài vì tất cả trẻ con trong khu tập thể cùng học ở trường Chu Văn An, mỗi lứa tuổi đều học cùng một lớp, cùng sinh hoạt thiếu nhui. Mọi người đều thuần tính và không láu cá láu tôm như trẻ con ngoài phố. Về điều kiện sống chắc cũng khá hơn vì chúng tôi không phải xếp hàng thùng để lấy nước. Hình như chúng tôi được quan tâm, đối xử khác với trẻ con bên ngoài, nhưng chúng tôi không biết điều đó. Giờ đây, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau và hàng năm tổ chức gặp mặt những người cùng ở trong khu tập thể Số 4 Hoàng Diệu để các thế hệ gặp lại nhau, để ôn lại những kỷ niệm, những hồi ức về những năm tháng ấy.
Từ sinh viên đến cán bộ nhà nước
Đời sinh viên
Năm 1976, tôi trở thành sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, vì thế sớm được tiếp xúc vói văn hóa các nước thông qua những giờ học với chuyên gia nước ngoài hoặc các thầy cô đi tu nghiệp ở nước ngoài như Anh, Úc, Pháp về. Chúng tôi thấy từ quần áo, túi xách đến phương tiện đi lại đã có màu sắc của các nước tư bản. Trong khi đám sinh viên ngoại trú chúng tôi hằng ngày đi xe đạp đến một nhà bạn gần bến xe buýt, để xe đạp ở đó rồi đi xe tuyến từ Cửa Nam vào trường thì hằng ngày đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên khoa Anh và Pháp đã vù vù xe máy Cub đỏ, Cub xanh hoặc Peugeot 102 City, Peugoet AV92 màu cá vàng phi vào bãi xe trong trường. Dần dần, chúng tôi được biết đến văn hóa các dân tộc qua môn Địa lý và Văn học nước ngoài, chúng tôi tập hát, diễn kịch bằng ngoại ngữ, giao lưu với sinh viên các khoa khác trong những dịp Ngày lễ thành lập Trường, Khoa và dần dần chúng tôi biết thêm có những đất nước, những dân tộc giàu đẹp trên thế giới này, chúng tôi thầm mong ước một ngày nào đó sẽ được đến những vùng đất ấy.
Là sinh viên trường ngoại ngữ, chúng tôi được học bổng hàng tháng cao hơn trường Đại học Tổng hợp và một số trường khác, ngoài ra sinh viên nữ lại được hơn sinh viên nam 5 đồng/tháng tiền vệ sinh nữ. Các bạn sinh viên nội trú ở trong ký túc xá của trường biết nhau nhiều hơn, còn chúng tôi sinh viên ngoại trú lại biết sinh viên các trường ngoài và cũng nghịch ngợm hơn. Mỗi khi tan học, chúng tôi ùa ra bến xe Thanh Xuân ngay trước con đường vào trường để chờ xe, nhưng vào giờ tan tầm các chú lái xe buýt thường bỏ bến mấy trường học vì toàn sinh viên, đi vé tháng nên chẳng thu được tiền vé lẻ, hơn nữa lên xe thì ầm ĩ, nghịch ngợm.
Dần dần, chúng tôi nghĩ ra chiêu nhảy tàu điện ngược vào Hà Đông để đón xe buýt đi từ đầu bến, thậm chí còn có chỗ ngồi nữa (đúng là láu như sinh viên) và quả nhiên xe qua trường tôi vẫn lao đi như tên bắn, dưới bến đông nghịt sinh viên và giáo viên ngoại trú đang ngóng chờ xe dừng lại.
Những chiếc tàu điện leng keng tuyến Cửa Nam – Hà Đông đã gắn bó với thời sinh viên của chúng tôi, mỗi khi nhìn lại những tấm ảnh tàu điện của Hà Nội thời xưa đó, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng sinh viên – biết đâu lại có mình đang chen chúc giữa những quang gánh đồng nát và lông gà lông vịt (vì không có quy định cấm mang gồng gánh lên tàu điện) nên cảnh lông gà bay phấp phới trong toa tàu điện là những hình ảnh thường ngày vẫn thấy của sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân chúng tôi.
Những năm mới đi làm
Thế rồi bốn năm học trôi qua, cuộc sống sinh viên nhanh chóng thường chỗ cho cuộc đời của một cán bộ trẻ trong một cơ quan Nhà nước. Cũng như bao cơ quan khác, hồi đó việc đi làm ở cơ quan Nhà nước thật là đơn giản, sáng đến cơ quan, chiều về, không có việc làm thêm ngoài giờ. Đến đầu tháng lĩnh một nửa lương, giữa tháng lĩnh nốt một nửa. Đến cơ quan không có nhiều việc nên chị em lại đi ra chợ mua thực phẩm, hoặc đi Bách hóa Tổng hợp để xem, chơi và ngắm hàng hóa trên các quầy hàng. Thế rồi thành phố rộ lên phong trào làm thêm như đan len, móc mũ, móc túi cước. Nhà nhà đan len, người người đan len, nhà nào có điều kiện thì mua máy dệt len, thậm chí Công đoàn cơ quan còn đứng ra liên hệ để nhận cước ni lông về cho chị em móc túi xách. Tất cả chỉ để kiếm thêm đồng ra đồng vào, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ngày Tết
Tôi nhớ nhất là thời khắc Giao thừa hoặc những ngày chuẩn bị đón Tết, bởi vì những lúc đó chúng tôi mới cảm nhận được sự khác biệt so với ngày thường, từ trong mỗi gia đình, đến cơ quan, bè bạn và cảnh quan đường phố.
Đầu những năm 80, các cơ quan bắt đầu cải thiện đời sống anh em bằng cách Công đoàn liên hệ với các Hợp tác xã hay Trại chăn nuôi gia súc ở ngoại thành Hà Nội để mua trứng gà lơ-go, gà công nghiệp hoặc đi mua con bò, con lợn về thịt để chia cho cán bộ. Đó là những ngày vui: có lần khi chia trứng gà xong lại có chị đến gặp kêu ca, phàn nàn là trứng của chị không to bằng trứng của chị kia và đòi Công đoàn phải đổi mấy quả cho chị ấy. Gần đến ngày Tết, cơ quan mổ lợn mà vui cả cơ quan vì có cỗ lòng để ăn liên hoan luôn buổi trưa hôm đó và nồi cháo lòng loãng toẹt. Khổ nhất là cán bộ Công đoàn như tôi phải làm sao chia đều thịt cho các suất: suất nào cũng phải có miếng sườn, miếng xương, miếng thịt dọi, miếng thịt mông, mẩu gan, mẩu tai, mẩu thịt thủ… tổng cộng mỗi suất chỉ khoảng từ 1-2kg nên không đủ nấu một món. Thế mà ai cũng vui vì không có thịt lợn thì không có bánh chưng, không có bánh chưng thì gọi gì là Tết nữa. Chả bù giờ đây, bánh chưng thì được ăn hằng ngày mà chả ai dám ăn nhiều vì sợ béo.
Ngoài thịt lợn, ngày Tết còn phải có hoa và cảnh đào. Buổi trưa, mấy chị em ở cơ quan rủ nhau lên chợ hoa Hàng Lược để ngắm đào, quất và khảo giá. Hai đầu phố người ta đã giăng dây cấm xe đi vào và chỉ dành cho người đi bộ. Ở chợ hoa Hàng Lược còn có nhiều người ở quê ra bán đồ chơi cho trẻ con như tò he (nặn từ bột gạo và tô màu sắc rất đẹp), súng, ô tô, tàu thủy bằng sắt gò. Ngoài đào và quất ra, còn nhiều người bán hoa violette, lay-dơn, thược dược, đồng tiền đơn, cánh bướm, là những loại hoa tuyền thống của người dân Hà thành từ bao đời nay. Ngày Tết, nhà nào cũng phải có một lọ hoa thập cẩm như vậy. Nhiều khi trên đường đi lên Bờ Hồ xem pháo hoa, đến gần giờ Giao thừa rồi mà chúng tôi thấy ở Hàng Lược vẫn còn mấy người đứng cầm cành đào để bán. Chắc họ sẽ đón Giao thừa ngoài đường thôi, âu cũng là vì kế sinh nhai, cả năm mới có một ngày nên họ vẫn cố gắng chờ khách.
Đối với chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những năm chiến tranh, rồi chứng kiến ngày thống nhất đất nước khi đúng 15 tuổi – chúng tôi cảm thấy niềm vui luôn dâng trào trong lòng ngực, cảm thấy hân hoan và tự hào về chiến thắng của dân tộc Việt Nam được cả thế giới biết đến. Tôi nhớ mãi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 khi đang trong giờ học, cô chủ nhiệm bỗng nói: “Giải phỏng miền Nam rồi các em ơi”. Chúng tôi lao ra khỏi lớp và ríu rít chạy ngay xuống sân trường. Cả sân trường cấp ba Chu Văn An đầy học sinh và giáo viên. Mấy chị học sinh miền Nam trong lớp tôi ôm lấy mấy đứa con gái chúng tôi và nói trong tiếng nấc: “Sắp được về với má rồi em ơi”. Chúng tôi cũng nghẹn ngào một phần vì niềm vui sắp được đoàn tụ của các chị với người thân, nhưng trên hết là niềm vui chiến thắng trọn vẹn của toàn dân tộc sau những năm chiến tranh. Năm đó, khối lớp 9 chúng tôi và lớp 10 còn được chọn để tham gia Lễ diễu binh, diễu hành mừng Chiến thắng và Quốc khánh mồng 2 tháng Chín năm 1975 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trong đoàn Thiếu niên Hà Nội. Nữ chúng tôi mặc áo da cam, váy trắng, giày trắng, vai quàng khăn đỏ… còn niềm vui và tự hào nào hơn thế.
Chúng tôi không gọi thời gian này là “thời bao cấp” bởi vì phải đến những năm sau này khi tổng kết, đánh giá lại thời kỳ lịch sử đó, trong sách vở, báo chí mới xuất hiện từ này. CHúng tôi cảm nhận những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hằng ngày rất đỗi bình thường vì cũng chẳng biết có cuộc sống tốt hơn. Chỉ đến khi biết được thế nào là một cuộc sống đầy đủ, ấm no, “ăn sung mặc sướng”, chúng tôi mới ngẫm lại những ký ức của một thời tuy nghèo khó nhưng đầy ắp tình người ấy.
Tác giả: Vũ Thị Minh Hương – Sách Hà Nội Một Thời