SG Ky Uc

Ký ức xe đạp Hà Nội thời bao cấp – Xe đạp Thống Nhất, Phượng Hoàng-s1

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Những năm thập niên 1960-1980 ở Hà Nội, xe đạp là phương tiện cá nhân phổ biến nhất thời bấy giờ. Chiếc xe đạp thời kỳ này không chỉ là phương tiện đi lại, nó còn là món tài sản lớn của mỗi gia đình và được ví như “ngôi nhà di động”, giống như là xe con hiện nay.

Xe đạp Thống Nhất

Xe đạp phổ biến nhất ở Hà Nội thời bao cấp có lẽ là xe đạp Thống Nhất do Việt Nam tự sản xuất, trong ký ức của nhiều người đây là một sản phẩm chất lượng, không thua kém gì xe Peugeot của Pháp. Một chiếc xe đạp Thống nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam những năm tháng đó.

Quay ngược thời gian trở về trước đó mấy chục năm, Hà Nội vào thời Pháp thuộc, ngoài các hãng xe đạp danh tiếng được nhập khẩu từ Pháp như Peugeot, Mercier, Reynold…, thì trong nước cũng đã tự sản xuất được xe đạp với các hãng: Dân Sinh, Bình Định, Sài Gòn và Đồng Tâm. Phần lớn các chi tiết trong những chiếc xe đạp Việt Nam đều sản xuất ở trong nước, chỉ có xích và líp là nhập từ Pháp.

Sau năm 1954, nhà nước VNDCCH thực hiện mạnh mẽ chủ trương thống nhất các nhà máy Dân Sinh, Bình Định, Đồng Tâm và Sài Gòn thành Công ty hợp doanh xe đạp Thống Nhất. Đến năm 1962 đổi thành Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Sản phẩm chủ lực là vài mẫu xe nhái lại các xe của Peugeot.

Xe đạp nam hiệu Thống Nhất thời kỳ đầu rất tốt, chất lượng không thua kém các xe Pháp và định vị là dòng cao cấp. Hãng xe đạp này đã có một thời kỳ vẻ vang về doanh thu cũng như danh tiếng. Tuy nhiên không lâu sau đó chất lượng xe dần dần đi xuống do cơ chế bao cấp.

Năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Quyết định là vậy nhưng một năm xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc.

Sản lượng của Nhà máy Xe đạp Thống Nhất quá ít nên nhà nước cho nhập xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu của Trung Quốc, tuy nhiên có người về hưu vẫn không mua được xe phân phối. Cuối thập niên 1960, đầu 1970, xe đạp Thống Nhất cũng có bán giá tự do ở các cửa hàng bách hóa nhưng không được ưa chuộng bằng xe Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu.

Cho đến hiện nay, không còn người tiêu dùng chọn mua xe Thống Nhất, tuy nhiên Thống Nhất vẫn là một công ty nhà nước mạnh do sở hữu khá nhiều khu đất thuộc vị trí đẹp nhất ở trung tâm Hà Nội.

Giấy chứng nhận quyền sở hữu xe đạp Thống Nhất. Thời kỳ bao câp, xe đạp bắt buộc phải có số khung và thẻ đăng ký, luôn mang theo như giấy đăng ký xe máy thời điểm hiện nay. Ảnh: Đồng Linh

Xe đạp Phượng Hoàng

Xe đạp Phượng Hoàng được nhập khẩu từ Trung Quốc, từng là một biểu tượng của sự giàu có của người Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước, được suy tôn thành xe “siêu sang” thời đó.

Thương hiệu xe đạp Phượng Hoàng được thành lập ở Trung Quốc năm 1958, có nguồn gốc từ cửa hàng xe Đồng Xương đã có từ năm Quang Tự thời nhà Thanh (1897).

Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, lượng hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam nhỏ giọt, để mua xe Phượng Hoàng không phải là dễ, thậm chí người dân phải bỏ ra vài cây vàng mới có thể mua được chúng. Đến những năm 1990, khi xe đạp mini Nhật làm khuynh đảo thị trường, rồi sau đó là xe martin107 (thương hiệu Đài Loan sản xuất ở Bình Dương) được ưa chuộng khiến xe Phượng Hoàng lùi sâu vào dĩ vãng.

Hiện nay, số người còn sở hữu xe đạp Phượng Hoàng còn rất ít hoặc xe đã hỏng hóc nặng theo thời gian. Tuy nhiên, giới sưu tầm xe vẫn đang rốt ráo đi tìm những chiếc còn nguyên “zin” chưa hỏng hóc, ngoại hình đẹp.

Xe đạp Phượng Hoàng ở Hà Nội năm 1990

Tại Trung Quốc hiện nay vẫn còn sản xuất mẫu xe này, tuy nhiên số lượng xe nhập về Việt Nam rất hạn chế. Nếu muốn sở hữu một chiếc xe Phượng Hoàng mới, người mua sẽ phải bỏ 4 triệu đồng và phải chờ ít nhất 1 tháng mới được nhập về Việt Nam.

Thời bao cấp, nghề sửa xe đạp trở nên phổ biến

Xe đạp Peugeot

Xe đạp Peugeot nhập nguyên chiếc từ Pháp ngày xưa có giá trị cả 2 cây vàng, gần bằng một căn nhà ở phố cổ Hà Nội, là niềm ao ước của tất cả mọi người thời đó.

Hà Nội năm 1956

Vào những năm 1970, chỉ những gia đình nào rất giàu mới có một chiếc xe đạp Peugeot dựng trong nhà, ai có được chiếc xe màu cá vàng thì thật là không gì sánh nổi.

Cơ sở kinh doanh xe đạp và xe oto thượng hiệu Peugeot trên phố Paul Bert ở Hà Nội thập niên 1930 (nay là phố Tràng Tiền, tòa nhà ngay trước mặt nhà hát)

Xe đạp Peugeot màu cá vàng được ví là tiêu chuẩn đắt giá trong việc chọn người yêu của các cô gái Hà Nội xưa, truyền tai nhau qua những câu thơ vui vẫn còn đến ngày hôm nay như:

“Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô”

Đôi tình nhân bên bờ Hồ Gươm, bên cạnh là chiếc Peugoet cá vàng sang chảnh một thời

Một số hình ảnh xe đạp Hà Nội thời bao cấp:

Luật đi đường cho xe đạp. Ảnh: Đồng Linh

Chiếc xe đạp theo chân người Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ 19, nhưng sức phổ biến của nó trong đời sống người dân Việt chỉ thật sự thể hiện sau đó vài thập niên. Rất khó để nói chính xác ai là người Việt đầu tiên sử dụng xe đạp. Nhưng nếu nói về sở hữu, thì vua Thành Thái được xem là người đầu tiên có “xe đạp riêng”. Theo các tài liệu cũ, vua Thành Thái hay dùng xe để đi dạo Hoàng thành lúc rảnh rỗi.

Đến khoảng cuối thế kỷ 19, xe đạp đã bắt đầu xuất hiện nhiều trên đường phố, tuy nhiên chỉ phổ biến với người Pháp và những người Việt làm cho sở Tây. Thời đó nhà giàu thì sắm xe bốn bánh, “thường thường” thì ra phố gọi xe kéo, còn không chỉ có nước cuốc bộ. Dần dà, xe đạp trở nên phổ biến hơn do người ta nhận ra tính tiện ích của nó: đạp xe thì nhanh hơn đi bộ, vừa chở người được vừa chở hàng được, rẻ hơn và không cồng kềnh như xe hơi.

Tuy nhiên, nói rẻ là rẻ hơn xe hơi thôi chứ giá một chiếc xe đạp khi ấy vẫn đắt so với mức sống trung bình. Khoảng cuối thập niên 40, một chiếc xe Peugeot có giá 27 đồng, đắt hơn gần 5 lần giá một tạ gạo. Thế nên ngoài là phương tiện di chuyển, xe đạp còn là công cụ phân biệt giai cấp trong xã hội. Xe mua xong có cả giấy chứng nhận sở hữu, không khác gì ngày nay chúng ta đi đăng ký xe máy hay xe con.

chuyenxua.net biên soạn