SG Ky Uc

Lịch sử của Bến Bạch Đằng – Tuyển chọn hình ảnh của bến sông đẹp nhất của Sài Gòn ngày xưa-s1

“Dừng chân trên Bến khi chiều nắng chưa phai”

Đó là câu hát nổi tiếng trong ca khúc Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân, và cho dù bài hát này không nhắc đến “Bến” cụ thể nào, nhưng người ta vẫn luôn cho rằng đó chính là Bến Bạch Đằng – bến sông đẹp nhất của Sài Gòn xưa. Trước đây đoạn Bến Bạch Đằng từ cầu Khánh Hội đến Ba Son mang tên là đường Bến Bạch Đằng, tuy nhiên từ năm 1980 thì nối với đường Cường Để cũ để mang tên mới là Tôn Đức Thắng.

Nửa cuối năm 2021, đoạn Bến Bạch Đằng đã được cải tạo, thay đổi diện mạo để trở thành một công viên rộng đẹp, tươi xanh, hiện đại, tuy nhiên nhiều người vẫn tiếc nuối cho hàng cây quen thuộc ở Bến Bạch Đằng đã không còn. Sau đây là lịch sử tên gọi và những hình ảnh xưa của Bến Bạch Đằng trong hơn 100 năm qua.

Bến Bạch Đằng trước và sau khi cải tạo năm 2021

Sau năm 1955, khi vừa được thành lập, chính quyền đệ nhất cộng hòa gấp rút đổi tên đường ở đô thành Sài Gòn từ tên Pháp sang tên tiếng Việt. Bên cạnh đó, những con đường dọc bên sông Sài Gòn được đặt tên của địa danh gắn liền với những bến sông, chiến dịch chống ngoại xâm bên sông Bạch Đằng là Bến Hàm Tử, Vân Đồn, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng.

Từ năm 1955 đến khoảng năm 1980, con đường mang tên Bến Bạch Đằng là đoạn từ cầu Khánh Hội cho tới cảng Ba Son. Cái tên này không chỉ dành để gọi tên đường, mà cũng thường được gọi cho bến sông, khu vực vỉa hè, cảng biển, và Bến Bạch Đằng trở thành nơi rất quen thuộc với người Sài Gòn qua nhiều thời kỳ suốt hơn 1 thế kỷ qua.

Một đoạn đường Bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao, là nơi giao giữa bến sông và 2 đại lộ Hàm Nghi – Nguyễn Huệ

Thời Pháp, đoạn đường Bến Bạch Đằng này mang rất nhiều tên và chia thành 2 đoạn như sau:

Đoạn 1: Từ cầu Khánh Hội cho đến công trường Mê Linh ngày nay, khi người Pháp vừa chiếm được thành Gia Định và bắt đầu đặt tên cho các tuyến đường đầu tiên ở Sài Gòn, họ gọi đoạn đường này bằng cái tên Quai de Donnai, sau đó lại đổi thành Quai Napoléon, năm 1870 đổi là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thành Quai le Myre de Vilers.

Đoạn thứ 2 là từ công trường Mê Linh đến cảng Ba Son, lúc đầu mang tên Primauguet, đến năm 1920 đổi thành Quai d’Argonne.

Điểm chung của đoạn 1 và 2 này là đều giáp sông Sài Gòn, 1 bên là sông, 1 bên là quận 1 sầm uất của trung tâm Sài Gòn.

Phía bên tay trái là đoạn giao giữa Bến Bạch Đằng và Bến Hàm Tử (nay trở thành đường Võ Văn Kiệt)

Năm 1955, chính quyền Sài Gòn nhập đoạn đường 1 và 2 này (Le Myre de Vilers và Argonne) và đặt tên là Bến Bạch Đằng. Đến năm 1980, chính quyền nhập Bến Bạch Đằng với đường Cường Để (là đoạn từ Lê Duẩn ngày nay cho đến cảng Ba Son) để trở thành đường Tôn Đức Thắng như ngày nay.

Trạm xe lửa ở đường Bến Bạch Đằng thập niên 1920, khi vẫn còn mang tên Le Myre de Vilers

Tuy cái tên Bến Bạch Đằng đã không còn chính thức, nhưng người dân vẫn quen gọi bến sông đoạn đầu đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi bằng cái tên Bến Bạch Đằng như những ngày xưa cũ.

Đầu đường Hàm Nghi, chiếc xe Chevrolet màu xanh đang quẹo vô đường Bến Bạch Đằng để qua cầu Khánh Hội

Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của khu vực Bến Bạch Đằng, nơi có cảng biển dân sự với tàu thuyền tấp nập, có quân cảng, cột cờ thủ ngữ, có công trường Mê Linh với nhiều biến động, có bức tượng đức Trần Hưng Đạo chỉ tay ra vùng xa khơi, có nhà hàng Mỹ Cảnh, có khách sạn Majestic ở đầu đường Tự Do, có công viên nơi hẹn hò của nhiều đôi tình nhân trai gái…

Đầu đường Bến Bạch Đằng cũng là đoạn đầu của đại lộ Hàm Nghi. Toà nhà ngói đỏ bên phải là Tổng Nha Quan Thuế, nay là Chi cục Hải Quan

Nhìn qua bên phải một chút là đầu đại lộ Nguyễn Huệ, toà nhà mái đỏ bên trái là Tồng Nha Quan Thuế

Bến Bạch Đằng và Bến Cảng nhìn từ Quận 4

Toàn cảnh bến Cảng Sài Gòn

Toàn cảnh Bến Bạch Đằng đoạn cầu Khánh Hội ở bên tay trái. Qua bên kia cầu là đường Trình Minh Thế (nay là đường Nguyễn Tất Thành) để đi Quận 4

Tại vị trí này, không thể không nhắc tới cột cờ Thủ Ngữ đã hiện diện ở nơi đây suốt hơn 1 thế kỷ rưỡi qua, chứng kiến bao nhiêu biến động của Sài Gòn:

Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10 năm 1865, trên nền cũ của dinh quan thủ ngự chuyên chăm lo về thương chính của nhà Nguyễn.

Người Pháp đặt tên cho cột cờ là Mât des Signaux.

Phần chân cột cờ có kiến trúc độc đáo hình ngôi sao tám cánh như mặt bằng thành Gia Định xưa (thành Bát quái) gồm 3 tầng giật cấp.

Thủ Ngữ có ý nghĩa là điểm giữ của cảng. Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng thủ ngữ là ngôn ngữ dấu hiệu bằng tay (với cờ hiệu). Đây là công trình đầu tiên ở Sài Gòn dùng để canh tuần tàu biển và treo cờ để tàu thuyền ra vào cảng biết nên vào ngay hay chờ đợi.

Công trình được làm bằng sắt, cao khoảng 30 m, trên chóp cột treo cờ bằng vải màu hoặc một quả bóng sơn đen làm hiệu cho tàu thuyền ra vào cảng lúc ban ngày, về đêm thì treo đèn màu trắng, có khi màu đỏ, để làm hiệu.

Đoạn tiếp theo của Bến Bạch Đằng là ở đầu đại lộ Nguyễn Huệ, con đường trung tâm của Sài Gòn:

Bến Bạch Đằng đầu đường Nguyễn Huệ, nhìn về phía Tòa Đô Chánh

Bến Bạch Đằng ở đầu đường Nguyễn Huệ. Nhà bên trái là Tổng Nha Quan Thuế

Tấm hình năm này thấy được bến Nhà Rồng và cột cờ Thủ Ngữ này được chụp vào khoảng thập niên 1920. Bên phải là trụ sở của Hải Quân Pháp. Đến thời VNCH hay thời sau 1975 thì đây vẫn là trụ sở dành cho hải quân.

Đi một đoạn nữa là tới đầu đường Tự Do, nơi có khách sạn Majestic nổi tiếng. Có rất nhiều hình ảnh Bến Bạch Đằng được chụp từ trên khách sạn này

Từ tầng trệt của khách sạn Majestic nhìn ra Bến Bạch Đằng

Sau đây là những hình ảnh chụp xuống Bến Bằng Đằng từ trên tầng thượng Majestic:

Nhìn xuống cảng biển với các loại tàu dân sự – quân sự:

Đứng ở đầu đường Tự Do nhìn qua công trường Mê Linh, nơi có tượng đức thánh Trần Hưng Đạo

Nhà hàng Mỹ Cảnh nổi tiếng ở Bến Bạch Đằng

Khu vực nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, từ thập niên 1990 có khách sạn nổi 5 sao nổi tiếng một thời

Khu vực công viên ở bờ sông:

Đi một đoạn nữa là đến gần công trường Mê Linh, nơi đặt tượng Hai Bà Trưng trước năm 1963.

Sau năm 1963, vì người ta cho rằng tượng đài Hai Bà Trưng có gương mặt được chế tác giống với mẹ con bà Nhu nên bị giật sập, chỉ còn lại phần đế

Công trường Mê Linh năm 1964

Từ phần đế đó, tượng đài Trần Hưng Đạo được dựng lên và vẫn còn cho đến nay

Toàn cảnh công trường Mê Linh – Bến Bạch Đằng

Đường Bến Bạch Đằng nhìn từ cảng Ba Son về phía công trường Mê Linh

Nhìn toàn cảnh đường Bến Bạch Đằng
Toàn cảnh công trường Mê Linh thập niên 1950

Một số hình ảnh trắng đen chụp Bến Bạch Đằng: