SG Ky Uc

Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của “thị xã Cần Thơ” vào thập niên 1960-s1

Cần Thơ là một trong những thành phố lớn nhất ở miền Nam, đồng thời được xem là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ với tây gọi là Tây Đô.

Về nguồn gốc tên gọi “Cần Thơ”, đến nay vẫn chưa được khẳng định chắc chắn mà chỉ dựa theo giai thoại, truyền thuyết.

Có giai thoại kể rằng khi chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, thuyền ngài lênh đênh trên sông Hậu, trong đêm khuya thanh vắng ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Ngài xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là “Cầm Thi Giang”. Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ.

Một truyền thuyết khác nói là khi xưa vùng Cần Thơ có trồng nhiều rau cần và rau thơm. Mỗi khi chèo ghe đi bán trên sông rạch, chủ ghe thường rao: “Ai mua rau cần thơm không”. Rau cần thơm vì vậy đã vào ca dao, và cần thơm đọc trại thành Cần Thơ:

Rau cần rau thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn
Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều

Một giả thuyết khác nói chữ Cần Thơ xuất phát từ chữ Khmer “kìntho” (cá sặc rằn), là một loại cá thời xưa có rất nhiều ở vùng đất này.

Cần Thơ là tên gọi thành phố, đồng thời cũng là tên của một tỉnh. Từ đầu thế kỷ 20, tỉnh Cần Thơ là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ. Trước năm 1900, Cần Thơ chỉ là tên gọi của một vùng đất nhỏ thuộc huyện Vĩnh Định, sau đó là huyện Phong Phú của tỉnh An Giang thời Nam Kỳ Lục Tỉnh của triều Nguyễn.

Tỉnh Cần Thơ được thành lập từ ngày 4/12/1867, lúc đầu gọi là hạt thanh tra (Inspection) Cần Thơ, khi ấy toàn Nam kỳ có 25 hạt Thanh tra. Quá trình thành lập hạt Cần Thơ khá phức tạp, vì nơi này xưa kia bao gồm nhiều địa bàn của các địa phương ở xung quanh, đó là vùng đất Phong Phú của phủ Ba Xuyên, một phần huyện Vĩnh A, phủ Tân Thành của tỉnh An Giang, một phần huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, một phần huyện Tuân Ngãi, phủ Lạc Hóa của tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1871, Thống đốc Nam kỳ quyết định hạ 25 hạt Thanh tra xuống còn 18 hạt, nên chỉ sau hơn 2 năm thành lập thì hạt Cần Thơ bị giải thể. Tuy nhiên địa bàn này tiếp giáp với nhiều hạt Thanh tra xung quanh, nếu không có chính quyền cái trị thì trở ngại cho việc đảm bảo an ninh, nên đến năm 1872, hai hạt Thanh tra cũ đã bị giải thể là hạt Cần Thơ và hạt Bắc Trang sáp nhập thành hạt Thanh tra Trà Ôn, đặt lỵ sở ở Trà Ôn.

Từ năm 1876, các hạt Thanh tra được đổi tên lại thành hạt Tham biện. Cũng trong năm này, lỵ sở hạt Tham biện Trà Ôn dời từ Trà Ôn về chợ Cần Thơ, nên đổi tên thành hạt Tham biện Cần Thơ.

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương quy định kể từ ngày 1/1/1900, tất cả các Hạt tham biện trên xứ Nam kỳ đều gọi là Tỉnh (Province), đứng đầu tỉnh là Tham biện chủ tỉnh (Administrateur Chef de la Province), từ đó hạt Tham biện Cần Thơ đổi tên thành tỉnh Cần Thơ. Ban đầu tỉnh lỵ Cần Thơ đặt tại làng Tân An thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành.

Ngày 18 tháng 12 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Cần Thơ có Ủy ban thành phố, thị trưởng do chủ tỉnh bổ nhiệm và có ngân sách riêng. Tuy nhiên sau này vẫn thường gọi là thị xã Cần Thơ.

Sau năm 1954, ban đầu thì tên gọi tỉnh Cần Thơ cùng với thị xã Cần Thơ vẫn được duy trì như thời Pháp thuộc. Đến tháng 8 năm 1956, chính quyền VNCH ban hành Dụ số 50 về việc bãi bỏ quy chế thị xã, giải thể thị xã Cần Thơ, đồng thời địa bàn thị xã được chuyển thành xã Tân An trực thuộc tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tên mới là Phong Dinh, có tỉnh lỵ đặt tại Cần Thơ.

Tòa hành chánh tỉnh Phong Dinh (nay là tỉnh Cần Thơ)

Đến năm 1970, thị xã Cần Thơ được tái lập, là thị xã tự trị trực thuộc trung ương, đồng thời kiêm luôn vai trò là tỉnh lỵ của tỉnh Phong Dinh. Đây cũng là nơi đặt Bộ tư lệnh Quân khu 4 của quân đội. Từ đó đến năm 1975, thị xã Cần Thơ và tỉnh Phong Dinh là 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau.

Sau đây là một vài tên đường lớn ở thành phố Cần Thơ (tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ) thời Pháp thuộc và thời kỳ 1955-1975:

1. Boulevard Paul Doumer – Đại lộ Nguyễn Trãi

Tên đường Nguyễn Trãi được đặt từ tháng 2 năm 1955. Tuy nhiên đến khoảng tháng 9 năm 1955, một nghị định đã tách đôi đại lộ Nguyễn Trãi, đoạn phía Nam tới cầu Cái Khế vẫn giữ nguyên tên Nguyễn Trãi, còn đoạn từ cầu Cái Khế đến bùng binh Hùng Vương mang tên Hai Bà Trưng. Sau 1975, đường này trở lại mang tên Nguyễn Trãi cả hai đoạn, đường Hai Bà Trưng nối dài đổi tên thành CMT8. Ngoài ra, đường Bến Ninh Kiều trước 1975 thì nay mang tên đường Hai Bà Trưng.

2. Paul Emery – Duy Tân, sau 1975 đến nay là đường Hoàng Văn Thụ

3. Avanue Capitaine d’Hers – Lữ Gia

Tên đương Lữ Gia được đặt từ tháng 2 năm 1955, đến tháng 9 năm 1955 lại đổi tên thành Phan Thanh Giản, sau 1975 đến nay mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh.

4. Pierre Lebrun – Phan Châu Trinh (sau đó đổi tên thành đường Nguyễn Thần Hiến)

5. Lamarre – Nguyễn Tri Phương

6. Boulevard Saintenoy – Đại lộ Ngô Quyền, đường này vẫn giữ nguyên đến nay

7. Đốc Phủ Trứ – Hàm Nghi

8. Boulevard Colonel Dessert – Đại lộ Lý Thái Tổ

Tên đường Lý Thái Tổ được đặt từ tháng 2 năm 1955, đến tháng 9 năm 1955 thì đường này tách đôi ra, một nửa phía bên Đông Bắc mang tên đại lộ Hòa Bình, một nửa còn lại vẫn tên Lý Thái Tổ. Sau năm 1975, đại lộ Hòa Bình được giư tên, riêng đại lộ Lý Thái Tổ đổi tên thành đường 30 Tháng 4.

9. Boulevard Luro – Đại lộ Tô Hiến Thành, sau đổi tên thành đường Hòa Bình, không rõ tên đường ngày nay

10. Boulevard Gallieni – Đại lộ Đống Đa, sau đổi tên thành Nguyễn Thái Học. Ngày nay đường này có 2 tên gọi, dãy nhà số chẵn vẫn mang tên Nguyễn Thái Học, dãy nhà số lẻ mang tên Võ Văn Tần.

11. Boulevard Paul Bert – Đại lộ Thủ Khoa Huân

Đường Thủ Khoa Huân này chỉ tồn tại được vài tháng, từ tháng 2 đến tháng 9 năm 1955, trước khi mang tên Nguyễn An Ninh, và mang tên này cho đến ngày nay. Đường Thủ Khoa Huân sau đó được đặt tên ở vị trí khác

12. Paul Beau – Thành Thái

13. Mezin – Lê Văn Duyệt

14. Avenue Artistide Briand – Nguyễn Công Trứ

(Đường Lê Văn Duyệt nối với đường Nguyễn Công Trứ, Sau 1975, cả 2 con đường này cùng đổi tên thành đường Nguyễn Thị Minh Khai)

15. Rue des Douane – Triệu Ẩu, sau đó đổi tên thành đường Bà Triệu

16. Đốc Trung – Đào Duy Từ

17. Boulevard Van Volenhoven – Đại lộ Nguyễn Huỳnh Đức, sau 1975 mang tên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

18. Boulevard Delanoue – Đại lộ Phan Đình Phùng (tên được giữ nguyên đến nay)

Mời các bạn xem lại những hình ảnh Cần Thơ trước 1975:

Đường Nguyễn Trãi, tuyến đường trung tâm của Cần Thơ. Thời Pháp, còn đường này mang tên toàn quyền Đông Dương nhiệm kỳ 1897-1902. Dù chỉ ở Đông Dương 5 năm nhưng ông để lại rất nhiều dấu ấn ở Việt Nam và vẫn còn cho đến nay. Khi trở về Pháp, ông là nghị sĩ và đắc cử tổng thống Pháp năm 1931.

Chùa Tàu ở Cần Thơ năm 1967

Nữ sinh Cần Thơ năm 1958 trên đường Phan Đình Phùng, phía trước là Ngã Tư Phan Đình Phùng – Ngô Quyền. Hai tên đường này đã có từ đầu năm 1955 và vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay

Ngã tư Phan Đình Phùng – Ngô Quyền, ngôi nhà bên phải là Ty Bưu điện Cần Thơ

Công viên Đồ Chiểu năm 1968

Rạp hát Minh Châu trên đường Phan Đình Phùng năm 1958

Các nữ sinh tại Cần Thơ, một người cầm chiếc lồng đèn giấy, đang trên đường đến dự buổi diễu hành cổ động kỳ bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 11-9-1966

Công viên Tao Đàn ở Cần Thơ năm 1958

Chợ Cần Thơ thập niên 1960

Dinh Tỉnh trưởng Cần Thơ năm 1968

Bến Ninh Kiều năm 1967

Trại Lê Lợi của Quân đoàn 4

Sân bay Trà Nóc, Cần Thơ năm 1968

Công Trường Độc Lập năm 1968, phía trước dinh tỉnh trưởng

Góc ngã ba Bến Ninh Kiều – Ngô Quyền. Đường Bến Ninh Kiều nay đổi tên thành đường Hai Bà Trưng

Advertisement

Ngã ba Bến Ninh Kiều – Ngô Quyền năm 1968

Sông Cái Khế 1966

Đường Ngô Quyền

Bến xe Chợ Mới

Đường Nguyễn Trãi, dốc cầu Cái khế. Qua bên kia cầu là đại lộ Hai Bà Trưng

Đường Phan Đình Phùng

Một số hình ảnh trường học xưa ở Cần Thơ:

Một số hình ảnh Cần Thơ thời Pháp thuộc:

Một số hình ảnh xưa khác của thành phố/thị xã Cần Thơ xưa: