SG Ky Uc

Lịch sử những đường phố Sài Gòn xưa: Charner/Nguyễn Huệ – Đại lộ sầm uất giữa trung tâm thành phố-s1

Mỗi thành phố thường có một đại lộ xuyên trục dẫn đến trung tâm, hoặc nằm ở ngay trung tâm thành phố, nơi có nhiều cơ sở, công trình văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng để làm tâm điểm. Con đường Nguyễn Huệ của Sài Gòn, dù có chiều dài khiêm tốn nhưng đã hội tụ được những yếu tố đó: Nằm ở trung tâm sầm uất nhất, là con đường dẫn từ bến cảng vào đến tòa nhà trụ sở hành chánh, xung quanh đó là những công trình văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị lớn.

Hình tròn trong hình là bùng binh Bồn Kèn nằm giữa 2 đại lộ Charner – Bonard (Nguyễn Huệ – Lê Lợi). Đại lộ Charner nằm ngang hình, còn đại lộ Bonard đâm thẳng vô Opera House (ở chính giữa hình)

Đường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn là một trong những con đường lớn đầu tiên của thành phố Sài Gòn. Hơn 100 năm qua, đây luôn là con đường sầm uất nhất của thành đô, kể từ khi được người Pháp mở thành đại lộ mang tên Charner vào năm 1887.

Khởi thủy của con đường này vốn là một con kinh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định được chúa Nguyễn Ánh xây dựng từ năm 1790, mang tên là Kinh Lớn (Kênh Lớn).

Thời Pháp thuộc, người Pháp cũng gọi Kinh Lớn với tên tương tự trong tiếng Pháp là Grand. Sau đó, Kinh Lớn được đổi tên thành kênh Charner, theo tên đô đốc Charner – người ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố này. Hai đường xe chạy hai bên bờ kinh mang tên Rigault de Genouilly và Charner.

Bên cạnh con kinh này là khu chợ sầm uất nhất ở Sài Gòn vào thế kỷ 19, chính là chợ Bến Thành đầu tiên (còn được gọi là Chợ Cũ). Vị trí chợ cũ nằm ở giữa 2 đại lộ Nguyễn Huệ – Hàm Nghi hiện nay, tương ứng với tòa Bitexco, Kho bạc nhà nước (tổng nha ngân khố cũ).

Chợ Cũ trên đường Charner năm 1895

Sở dĩ ngôi chợ này mang tên Bến Thành là vì nó nằm ngay bến sông, ngoài thành Gia Định cũ. Sau này dù chợ được xây dựng lại ở chỗ khác nhưng vẫn mang tên Bến Thành của Chợ cũ.

Một số hình ảnh khi đại lộ Charner vẫn còn là Kinh Lớn:

Kinh Lớn, sau này trở thành đại lộ Charner – Nguyễn Huệ

Đầu đường bên trái hình là tháp nhọn Doudart de Lagrée. Lúc này chưa có Dinh Xã Tây, sau này tháp nhọn được dời về đầu đường Bonard để xây dựng Dinh Xã Tây.

Vì lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên Kinh Lớn dần dần trở nên ô nhiễm nặng khiến người Pháp phải cho lấp kênh đào này, cùng với con đường ở hai bên bờ kinh để trở thành đại lộ rộng lớn mang tên Đại lộ Charner vào năm 1887. Tuy nhiên, người Sài Gòn khi đó lại thường gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp (nghĩa là “con kênh bị lấp đất”).

Đại lộ Charner khi chưa bị lấp. Phía cuối đường là sông Sài Gòn, có cây cầu nhỏ bắc ngang qua kinh

Trên con kênh này còn có nhiều cây cầu khác bắt ngang qua. Ngoài cùng bên phải hình này là tháp nhọn Doudart de Lagrée. Sau đó để xây dựng Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chánh) thì tháp này được dời về vị trí giao của Bonard và Catinat, tức là chỗ sau đó sẽ xây dựng Opera House

Chợ cũ bên bờ kênh, bên phải là đường Vannier (nay là Ngô Đức Kế), bên trái là đường Phủ Kiệt, nay là Hải Triều

Chợ Cũ. Khi này kênh đã bị lấp và Dinh Xã Tây đã được xây ở đầu đại lộ Charner (bên phải hình)

Đại lộ Charner sau khi đã lấp kinh

Phu đang làm đường trên đại lộ Charner

Cuối thế kỷ 19, hệ thống xe lửa tuyến Sài Gìn – Chợ Lớn (đầu máy hơi nước) được thiết lập, có đi ngang qua đại lộ Charner, trạm ngay trước Chợ Cũ

Sau khi Chợ cũ bị giải tỏa thì khu đất đó mọc lên tòa nhà ngày nay vẫn còn, ban đầu là Kho bạc Sài Gòn, sau năm 1955 là Tổng nha ngân khố, sau 1975 là Kho bạc nhà nước

Khu Chợ Cũ ngày xưa là khu đất nằm giữa 4 con đường hiện nay là Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Hải Triều

Vài chục năm sau khi lấp Kinh Lớn, đại lộ Charner trở thành nơi buôn bán phồn thịnh, vượt lên trên con đường song song ở bên cạnh có lịch sử lâu đời hơn là Catinat.

Năm 1918, khi Phạm Quỳnh có chuyến đi Nam kỳ, ông đã mô tả và nhận xét về 2 con đường nổi tiếng Catinat và Charner như sau:

“Đông đúc phồn thịnh đến nỗi đã phải mở một con đường chạy dọc theo, to lớn rộng rãi hơn nhiều, gọi là đường Charner – tức là tên quan thuỷ quân phó nguyên súy coi chiếc tàu Catinat vào đánh Sài Gòn – để rút bớt cái sức bành trướng đi ít nhiều, mà vẫn hằng ngày hằng phát đạt, không giảm đi chút nào. Các cửa hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát tây, nên chiều chiều cứ tự năm giờ trở đi kẻ đi người lại như nước chẩy. Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo qua đường Catinat một lượt mới là nền.

Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu. Trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại, rạt cả bên bờ nhà “Đại lục khách sạn” (Hôtel Continental). Nhất là ngày chúa nhật, sau khi tan lễ nhà Thờ Chánh, không cảnh tượng gì đẹp bằng đường Catinat chừng hồi chín mười giờ. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, người Tây, người Nam, ăn bận rất lịch sự, ở nhà thờ ra đi dạo qua các cửa hàng, lũ lượt như ngày hội”. (Một Tháng Ở Nam Kỳ)

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, lịch sử con đường Charner/Nguyễn Huệ có thể được chia ra các giai đoạn như sau:

  • Từ 1861 đến 1887: từ lúc có phố chợ, buôn bán sầm uất qua cảng Saigon được mở cửa tự do, thông thương qua kinh rạch cho đến lúc kinh Chợ Vải được lấp.
  • Từ 1887 đến 1920: thời kỳ hoàng kim của đường xe lửa, tramway và khu chợ Cũ chấm dứt và được dời đến chợ Bến Thành.
  • Từ 1920 đến 1960: thời kỳ của xe hơi, các cửa hàng xe hơi và cửa hàng bách hoá như Garage Charner, Etablissement Bainier, Grand Magasin Charner (GMC, Thương xá Tax).
  • Từ 1960 đến 1990: thời kỳ cận đại với kiến trúc Pháp lần được thay thế.
  • Từ 1990 đến nay: Thời phát triển các cao ốc cao tầng với kiến trúc toàn cầu hoá và cảnh quan đặc thù, ký ức lịch sử dần biến mất.

Trong phạm vi bài viết này, vì là một “bài ảnh” nên sẽ không nói quá chi tiết về các giai đoạn đó, mà chia các hình ảnh xưa của đại lộ Charner/Nguyễn Huệ ra thành 2 giai đoạn: Giai đoạn thuộc Pháp và giai đoạn 1955-1975.

Đầu đường Charner là một trong những công trình tiêu biểu và nổi tiếng nhất Sài Gòn: Dinh Xã Tây, sau này là Toà Đô Chánh, là một trong những công trình có tuổi đời trên 100 vẫn còn lại ở Sài Gòn.

Dinh Xã Tây được khởi công xây dựng năm 1899, sau thời gian dài đến 30 năm kể từ lúc bắt đầu đưa ra thảo luận. Trong quá trình xây dựng, lại có nhiều sự cố xảy ra, nên phải mất 10 năm mới hoàn thành.

Dinh Xã Tây lúc đang xây dựng, năm 1904

Ban đầu thì 2 dãy nhà 2 bên của Dinh Xã Tây chỉ có một tầng, đến thập niên 1950 được nâng thêm một tầng và nối dài thêm để mở rộng không gian.

 

Dinh Xã Tây thời Pháp là nơi làm việc của một Hội đồng thị xã, điều hành cả vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.

Dinh Xã Tây được xây dựng trong hơn 10 năm, hoàn thành vào năm 1909. Có thể thấy trước tòa nhà ghi chữ Hotel de Ville, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là City Hall, trong tiếng Việt gọi là Tòa Thị Chính, nhưng người Việt quen gọi là Dinh Xã Tây

Công trình có tuổi đời cao thứ 2 vẫn còn lại trên đường Charner/Nguyễn Huệ là Trésor Saigon, hay còn gọi là Kho Bạc Sài Gòn, sau 1955 là Tổng Nha Ngân Khố, được hoàn thành năm 1925, được xây dựng trên nền chợ cũ đã được giải tỏa:

Khu vực nổi tiếng nhất trên đường Nguyễn Huệ chính là ngã tư Bùng Binh Bồn Kèn, là nơi sầm uất nhất của đô thành Sài Gòn suốt hơn 100 năm qua, nơi có Thương Xá Tax nay đã trở thành dĩ vãng. Mời các bạn xem lại vị trí ngã tư này vào thời kỳ trước năm 1954 (Pháp thuộc). Chi tiết về địa điểm này sẽ được nhắc nhiều hơn ở phần hình ảnh đại lộ Nguyễn Huệ thời kỳ 1955-1975 ở đoạn sau.

Thương xá TAX khi vẫn còn mang tên GMC

Góc đối diện Thương xá TAX là thương xá EDEN

Bồn binh Bồn Kèn. Góc trên bên phải là đại lộ Bonard (Lê Lợi) đi thẳng ra phía chợ Bến Thành. Góc trái là đại lộ Charner ra phía sông Sài Gòn

Ngay góc bùng binh còn có 2 tòa nhà auto-hall của ông Bainier:

Ông Bainier đến lập nghiệp ở Sài Gòn vào năm 1908, ông là người tiên phong đi vào thị trường mới lúc bấy giờ là buôn bán xe hơi ở Sài Gòn, khi đó vừa mới bắt đầu phổ biến trên thế giới, còn ở Đông Dương thì vẫn rất sơ khai. Năm 1909, đích thân ông Bainier đã lái xe buýt để giới thiệu phương tiện chuyên chở công cộng này cho nhiều quan chức và nhân viên chính quyền trên đường phố Sài Gòn. Không lâu sau, ông mở 2 auto-hall – cửa hàng bán xe hơi ở số 21 Bonard và số 100-102 Charner , là vị trí trong hình bên trên.

Auto-hall này rất thành công và đắt hàng, công ty của Bainier xây thêm auto-hall ở đối diện chéo qua bên kia Bùng Binh Bồn Kèn, tức vị trí khách sạn REX ngày nay, trở thành auto-hall lớn nhất vùng viễn đông lúc đó, là hình bên dưới đây, cũng được chụp vào 100 năm trước:

Một số hình ảnh khác của đại lộ Charner khi còn thuộc Pháp:

Tòa Hòa Giải 100 năm trước. Ngày nay vị trí này là cao ốc Sunwah số 115 Nguyễn Huệ

Một vụ xử án trước tòa Hòa Giải (Justice de Paix)

Đến năm 1955, chính quyền VNCH đổi tên con đường này thành Đại lộ Nguyễn Huệ, và tên này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Nhắc đến đại lộ Nguyễn Huệ, không thể không nhắc đến chợ hoa xưa, mỗi dịp Tết thì nơi này chợ bán hoa xuân của người dân thành đô, tập trung mua bán hoa tết cây cảnh nên con đường này khi đó còn được gọi là Chợ Tết Nguyễn Huệ. Nhà vườn tập kết hoa ở bến Bạch Đằng sau đó phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ.

Một số hình ảnh chợ hoa Nguyễn Huệ trước 1975:

  

Sau một thời gian bị gián đoạn, đến Tết năm 2004 thì chợ hoa Nguyễn Huệ được khôi phục, nhưng không còn cảnh mua bán, mà nơi đây sắp đặt và bày biện hoa để khách du xuân, gọi là Đường Hoa Nguyễn Huệ.

Mời bạn xem lại những hình ảnh đẹp nhất của đường Nguyễn Huệ trước năm 1975:

Ngay đầu đường Nguyễn Huệ là Tòa Đô Chánh, thời Pháp được gọi là Dinh Xã Tây:

Phía trước Tòa Đô Chánh là một khu đất nhỏ gọi là công viên Đống Đa

Quang cảnh đông đúc nơi công viên Đống Đa

Thiết kế của tòa nhà này được mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp

Thời VNCH thì dinh này được gọi là Tòa Đô Chánh, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô

Cách Tòa Đô Chánh không xa chính là Bồn Binh Bồn Kèn, giao lộ của 2 đại lộ sầm uất nhất Sài Gòn là Charner – Bonard xưa, nay là Nguyễn Huệ – Lê Lợi:

Ban đầu, bùng binh ở giao lộ này chỉ là một bệ cao hình bát giác ở giữa như bạn có thể thấy trong tấm hình bên dưới. Theo học giả Vương Hồng Sển, kể từ thập niên 1920, cứ mỗi chiều thứ Bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá thổi kèn, trỗi nhạc Tây cho người dân thưởng thức.

Một số hình ảnh khác của khu vực Bồn Binh – Ngã 4 Nguyễn Huệ – Lê Lợi hơn nửa thế kỷ trước:

Xung quanh bồn binh này là những công trình nổi tiếng. Đầu tiên là Thương Xá TAX:

Vào năm 1880, người Pháp xây dựng một tòa nhà thương mại ngay trung tâm Sài Gòn

Đến năm 1914, công ty Société Coloniale des Grands Magasins khai thác tòa nhà này, đặt tên là Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC)

Đến năm 1924, tòa nhà được sửa lại theo phong cách Art Deco với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông

Thập niên 1940, tòa nhà được nâng thêm 1 lần và đập bỏ tháp đồng hồ

Năm 1960, tòa nhà GMC chính thức đổi tên thành Thương Xá TAX, có địa chỉ 135 đại lộ Nguyễn Huệ. Mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê buôn bán. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới bắt đầu xuất hiện và bày bán trong Thương Xá TAX

Đối diện Thương Xá TAX, ở bên kia đường là REX Hotel. Trước khi REX Hotel được xây dựng thì đây là tòa nhà trụ sở của hãng xe hơi Pháp Citroen.

Trụ sở Citroen thập niên 1930

Sau đó trụ sở Citroen bị phá bỏ để xây dựng REX Hotel nổi tiếng, vẫn còn cho đến ngày nay

Ở góc tòa nhà REX Hotel từng là thư viện Abraham Lincoln. Đến năm 1964, thư viện này đã dời qua đường Lê Quý Đôn

Đối diện với REX ở bên kia đường là thương xá EDEN (tòa nhà có bảng hiện SANYO trong hình). Thương xá này nằm ở vị trí giữa Tòa Đô Chánh và Opera House, Ngày nay EDEN đã bị thay thế bằng một tòa nhà khác

Bên trái là EDEN

Ở góc còn lại của bồn binh này là trụ sở hãng SEIC (Société d’Exploitation Industrielle et Commerciale), còn có tên là Saigon Garage. Sau này Saigon Garage không còn, thay thế vào đó là văn phòng chi nhánh của Sài gòn Ngân hàng.

Rìa phải của hình là tòa nhà SEIC

SEIC (Saigon Garage) ở bên trái hình này

Toàn cảnh đại lộ Nguyễn Huệ và bồn binh Bồn Kèn nhìn từ trên cao

Bùng binh Bồn Kèn, công viên Đống Đa ngay trước Tòa Đô Chánh. Tòa nhà màu trắng bên trái là REX Hotel

Đi tới một đoạn nữa về phía bờ sông, chỉ cách bồn binh Bồn Kèn vài chục mét là ngã 3 Nguyễn Huệ – Nguyễn Thiếp. Đường Nguyễn Thiếp có thể xem là con đường ngắn nhất ở trung tâm Sài Gòn, kéo dài chỉ vài chục mét nối 2 con đường phồn hoa nhất Sài Gòn là Nguyễn Huệ – Tự Do. Sau 1975, tên đường này bị đổi thành đường Nguyễn Thiệp (là tên bị sai)

Ngã 3 Nguyễn Thiệp – Nguyễn Huệ năm 1969

Phía trước là đường Nguyễn Thiếp

Đi tới thêm một chút nữa là một tòa nhà nổi tiếng được xây từ cuối thế kỷ 19, đó là Tòa Hòa Giải. Đến nay Tòa Hòa Giải đã không còn, từ khu đất đó mọc lên tòa cao ốc từ năm 1995 mang tên Sunwah.

Tòa Hòa Giải cuối thế kỷ 19

Trước khi Tòa Hòa Giải này được xây dựng, khu đất này từng là  nơi xây dựng nhà thờ đầu tiên của Sài Gòn, xây bằng gỗ từ năm 1863. Đến 20 năm sau đó, một nhà thờ lớn và kiên cố hơn (chính là Nhà Thờ Đức Bà hiện nay) được xây dựng thì khu đất này mọc lên tòa nhà tồn tại đến hơn 100 năm sau đó (Tòa Hòa Giải), trước khi bị phá bỏ để xây cao ốc.

Hai bên Tòa Hòa Giải là 2 con đường nhỏ mang tên Tôn Thất Thiệp và Huỳnh Thúc Kháng.

Rìa bên tay trái hình là đường Tôn Thất Thiệp, cắt ra đại lộ Nguyễn Huệ

Ngã 3 Tôn Thất Thiệp – Nguyễn Huệ, bên hông Tòa Hòa Giải

Tòa Hòa Giải ở góc phải. Bên phải tòa nhà là đường Tôn Thất Thiệp, bên trái là đường Huỳnh Thúc Kháng, nơi có chợ trời Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng

Ngã 3 Nguyễn Huệ – Huỳnh Thúc Kháng. Bên tay phải hình là khuôn viên tòa Hòa Giải

Đối diện bên kia Tòa Hòa Giải là ngã 3 đường Nguyễn Huệ – Nguyễn Văn Thinh. Sau năm 1975, đường Nguyễn Văn Thinh bị đổi tên thành Mạc Thị Bưởi.

Đại lộ Nguyễn Huệ, bên trái là đường Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi). Khu nhà ngay góc ngã 3 ngày nay là cửa hàng Hoàng Phúc, bên cạnh đó là chung cư 42 Nguyễn Huệ, ngày nay vẫn còn và trở thành một khu hàng quán độc đáo thu hút giới trẻ đến “check in”

Khách sạn Palace Hotel ở đoạn ngã 3 Nguyễn Huệ – Nguyễn Văn Thinh. Khách sạn này hiện nay vẫn còn tương đối giống như xưa
Bên trái hình là các đường Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Thiệp, bên phải là Nguyễn Văn Thinh

Tiếp tục đi về phía bờ sông Sài Gòn thì sẽ đến ngã 4 Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế:

Từ ngã 4 Ngô Đức Kế – Nguyễn Huệ nhìn về Tòa Đô Chánh
Đại lộ Nguyễn Huệ, hướng nhìn ra bến Bạch Đằng. Phía trước là ngã tư giao với Ngô Đức Kế-

Từ ngã 4 Ngô Đức Kế nhìn về hướng ngược lại

Sát bên cạnh đường Ngô Đức Kế là Tổng Nha Ngân Khố năm trên nền Chợ Cũ như đã nhắc tới ở trên

Một số hình ảnh đẹp khác của đại lộ Nguyễn Huệ:

Đường Nguyễn Huệ sạch sẽ và đẹp như một góc phố Âu Châu

Đại lộ Nguyễn Huệ sau một cơn giông

Chợ hoa Nguyễn Huệ

Xe cộ trên đường Nguyễn Huệ

Khi này đường Nguyễn Huệ có 2 dãy kiosk ở 2 bên đường

Saigon năm 1967. Từ trên REX Hotel nhìn xuống, bên tay phải là thương xá TAX

Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau

Đoạn cuối đường Nguyễn Huệ, chup từ phía bến Bạch Đằng

Đại lộ Nguyễn Huệ mùa Giáng Sinh

Toàn cảnh đại lộ Nguyễn Huệ

 

Cuối đại lộ Nguyễn Huệ là Bến Bạch Đằng
Bến Bạch Đằng đầu đường Nguyễn Huệ, nhìn về phía Tòa Đô Chánh

LEAVE A RESPONSE

Your email address will not be published. Required fields are marked *