SG Ky Uc

Lịch sử trăm năm chợ Bến Thành – Tuyển chọn hình ảnh đẹp đời thường trước chợ Bến Thành năm xưa _s2 – Daily News

Nhiều người, kể cả không phải dân Sài Gòn, đều biết đến ngôi chợ nổi tiếng nhất của Sài Gòn từ vài thế kỷ nay, đó là Chợ Bến Thành. Hãy cùng điểm qua vài nét về lịch sử khu chợ này!

Năm 1868, cùng với quá trình quy hoạch và xây dựng đô thị trung tâm Sài Gòn, những thảo luận đầu tiên về một khu chợ trung tâm sạch đẹp và xứng tầm hơn cũng bắt đầu được nhen nhóm. Năm 1872, để giải quyết nhu cầu cấp thiết cho thành phố khi ngôi chợ cũ (Khu kênh Chợ Vải – đường Nguyễn Huệ ngày nay) đã bị cháy rụi trong một vụ hỏa hoạn, người ta cho xây dựng một khu chợ mới bằng gỗ với mái ngói và sàn đá granite. Dù quy mô chợ còn khá khiêm tốn, ngôi chợ đã phần nào giải quyết được bài toán về một địa điểm giao thương không những thuận tiện mà còn thẩm mỹ, vệ sinh và an toàn.

Năm 1893, hơn hai thập kỷ kể từ sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), nguồn ngân sách cho việc phát triển các công trình công cộng ở Đông Dương đã dồi dào trở lại sau thời gian dài phải bù trì cho chiến phí. Một khu chợ mới xứng tầm hơn dự kiến tiêu tốn 400.000 franc được hội đồng thành phố quyết định thông qua. Tuy nhiên, kinh phí xây dựng tiếp tục là một bài toán gây nhiều tranh cãi, người ta đã chọn ưu tiên tài chính cho hai công trình quan trọng không kém là Nhà Hát Lớn và Tòa Thị Chính. Mãi đến năm 1907, ngôi chợ trung tâm một lần nữa mới lại được đặt lên bàn tính và được thông qua kế hoạch xây dựng vào năm 1908 với một bản chi phí tăng vọt so với trước.

Địa điểm dành cho khu chợ mới được ấn định tại khu vực ao Bồ Rệt (marais Boresse), một khu vực đầm lầy tù đọng khổng lồ ngay trong thành phố, nơi những người địa phương nghèo khổ nhất sinh sống trong những ngôi nhà lợp mái lá dựng ngay trên khu đất lầy. Khu vực Sài Gòn ngày nay vốn từng có nhiều kênh rạch thông với sông Sài Gòn, dòng thủy triều đều đặn lên xuống mỗi ngày giúp cuốn trôi chất thải sinh hoạt và giúp cho cảnh quan luôn tươi mới, sạch sẽ. Nhưng hoạt động phát triển nhà đất từ giữa thế kỷ 19 đến những năm 1890 đã khiến cho các con rạch dần trở nên tắc nghẽn. Bản thân ao Bồ Rệt được nối liền với sông Sài Gòn qua rạch Cầu Sấu, đến những năm 1867-1868 kênh này bị lấp thành đường Canton (nay là Đại lộ Hàm Nghi), và khu ao nước trũng ở cuối dòng kênh trở thành đầm lầy nước tù đầy muỗi mòng.

Ao Bồ Rệt (Boresse) trước khi bị lấp để xây chợ Bến Thành mới

Trong mắt của các nhà quy hoạch thời thuộc địa, ao Bồ Rệt là một trong những chướng ngại hoang dã “đe dọa và chiếm mất nền văn minh” họ vừa cất công tạo dưng được (Norindr, 1996, trích dẫn qua Leshkowich). Việc biến khu vực này thành một khu thương mại sẽ giúp cải thiện cảnh quan và điều kiện sống trong thành phố, đồng thời đặt khu chợ trung tâm tại đây sẽ hợp lý hơn là khu vực đường Nguyễn Huệ (ngày nay) vốn đang trở nên chật chội.

Năm 1893, Hội đồng quyết định thông qua kế hoạch xây chợ mới, ước tính trị giá 400,000 francs. Những tranh cãi về chi phí lại tiếp tục làm cho tiến độ bị trì trệ, hai công trình Nhà hát và Tòa thị chính được ưu tiên nhiều hơn, mãi đến năm 1907 Hội đồng mới bắt đầu xem xét lại việc xây dựng chợ, lúc này chi phí lại tiếp tục gia tăng. Năm 1908, Hội đồng thông qua kế hoạch xây dựng với giá thành tăng cao.

Chợ Bến Thành, khu chợ trung tâm quy mô và hiện đại bậc nhất thời bấy giờ cuối cùng đã được khởi công xây dựng vào năm 1912, một phần kinh phí xây dựng chợ đến từ nguồn vốn của công ty Hui Bon Hoa, lúc này đang được những người con của Chú Hỏa sở hữu và điều hành. Ngày nay vẫn có thể tìm thấy những dãy nhà cũ từng thuộc về công ty HUI Bon Hoa xung quanh chợ Bến Thành, được xây dựng cùng thời điểm với khu chợ này.

Dãy nhà bên cạnh chợ Bến Thành là tài sản của “Chú Hỏa” năm xưa

Cuối tháng 3/1914, chợ Bến Thành hoàn tất việc xây dựng và khai trương. Sự kiện khánh thành chợ được tổ chức vô cùng quy mô và náo nhiệt từ ngày 28/3 đến ngày 30/3. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật như múa lân, xiếc tạp kỹ, bắn pháo hoa,… được tổ chức để chào mừng khu chợ mới. Người dân khắp nơi kéo về tham dự lễ khai trương, tham quan, vui chơi, mua bán tấp nập. Các tờ báo cũng đặc biệt quan tâm đến sự kiện này khi liên tục đưa tin. Khu chợ mới khiến người ta trầm trồ không chỉ bởi quy mô khổng lồ của khu nhà lồng và tháp đồng hồ cao lớn nổi bật ở cửa lớn mà còn suýt soa vì sự lối thiết kế thông thoáng, cao ráo và sạch sẽ phía bên trong.

Khi xây dựng chợ, một phần do vấn đề kinh phí người ta chỉ chú trọng giải quyết tốt nhất phần công năng sử dụng của chợ như việc lưu thông không khí trong chợ, hệ thống xả thải, vệ sinh, nền chợ sạch sẽ bền đẹp, trần nhà cao rộng thông thoáng,… để thuận tiện nhất cho việc giao thương và vận hành chợ. Do đó, khác với các công trình khác được xây dựng trong cùng thời gian này đều được trang trí tỉ mỉ hệ thống phù điêu đẹp mắt và giàu ý nghĩa biểu tượng, chợ Bến Thành khi mới khánh thành hầu như không được trang trí gì phía ngoài.

Phải đến năm 1952, nhà chức trách mới quyết định bổ sung thêm các chi tiết trang trí là các bức phù điêu bằng gốm đặt trên 4 cửa chính vào chợ. Đây là sản phẩm gốm của dòng gốm BIên Hòa với hai màu trắng ta và xanh đồng đặc trưng, được các nghệ nhân nung từng miếng nhỏ tại Biên Hòa rồi đem tới Chợ Bến Thành ghép lại. Hình ảnh trên các bức phù điêu này cũng hết sức đơn giản gồm các loại động thực vật như trâu, bò, vịt gà, cá mực, rau, chuối. Đều là những thứ hàng được bày bán trong chợ.

Theo thời gian, Chợ Bến Thành từ một biểu tượng hiện đại mang dấu ấn của chính quyền thuộc địa đã dần được địa phương hóa, trở thành trung tâm biểu tượng của người Sài Gòn, xoay quanh chợ là khu vực quảng trường, nhà ga xe lửa,.. Khác với khu Catinat, Charner sang trọng, nơi tập trung của người Pháp, mang đậm dấu ấn Pháp, khu chợ Bến Thành mang đậm dấu ấn văn hóa và phong cách Việt, trở thành trung tâm sinh hoạt và giao thương của tất cả các cộng đồng người Việt, Hoa, Ấn và trở thành hồn cốt không thể thiếu của Sài Gòn.

Mời các bạn cùng ngược dòng thời gian để xem lại quá trình địa phương hóa của khu chợ này từ cái tên chợ cho tới hồn cốt và không gian xung quanh chợ:

Năm 1918, học giả Phạm Quỳnh có chuyến du hành vào Nam Kỳ và ông đã mô tả cảm nhận của mình khi nhìn thấy chợ Bến Thành vừa mới xây được vài năm như sau:

Chợ Mới Sài Gòn có cái nhà chòi ở giữa thật là vĩ đại, vừa cao vừa vững vàng lực lưỡng, coi như một cái pháo đài vậy. Mà trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu. (Một Tháng Ở Nam Kỳ – Phạm Quỳnh)

Tuy nhiên có một điều lạ, là dù cái tên Chợ Bến Thành rất quen thuộc với người Sài Gòn suốt hơn 200 năm qua, đã được nhắc đến trong nhiều câu ca dao, nhưng cho đến năm 1975, cái tên này không được sử dụng chính thức trong văn bản. Xem lại các tấm bưu ảnh, bưu thiếp cùng các văn bản xưa của người Pháp, không có chỗ nào ghi tên chợ Bến Thành cho ngôi chợ hiện nay lẫn ngôi chợ cũ bên đường Nguyễn Huệ (Chợ Cũ).

Trước khi Chợ Mới được xây, trên bưu tiếp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Chợ Cũ được người Pháp gọi là chợ trung tâm, chợ chính (marché central). Thậm chí chỉ ghi chợ, thỉnh thoảng là Chợ Sài Gòn (Le marché de SAIGON).

Nhìn lại các tấm ảnh xưa, cả Chợ Cũ lẫn Chợ Mới, cho đến năm 1975, chưa bao giờ có tấm biển hiệu ghi tên chợ Bến Thành, ngoại trừ một giai đoạn ngắn sau năm 1963 có bảng ghi tên chợ Quách Thị Trang (là người đã hy sinh khi chống tổng thống Ngô Đình Diệm), nhưng sau đó cũng bị gỡ xuống. Chỉ đến sau năm 1975 thì bảng tên Chợ Bến Thành mới được dựng lên.

Trước Chợ Bến Thành có một bùng binh rộng, gọi là Công Trường Diên Hồng, nơi có tượng Trần Nguyên Hãn nổi tiếng, sau năm 1963 còn có thêm tượng Quách Thị Trang:

Bên cạnh công trường có một bến xe buýt công quản ở trong hình bên dưới:

Dãy nhà trong hình được xây cùng lúc với Chợ Bến Thành

Năm 1914, cùng với chợ Bến Thành, người Pháp cũng cho xây dựng một tòa nhà trụ sở công ty Hỏa Xa ngay chợ Bến Thành. Tòa nhà này đến nay vẫn còn ở số 136 Hàm Nghi, trở thành trụ sở của ngành đường sắt.

Đối diện với chợ Bến Thành và trụ sở Hỏa Xa là nhà ga xe lửa đã có trước đó từ khá lâu:

Nhà ga ở bên trái hình. Bên phải là đường Lê Lai

Ở liền kề với ga xe lửa và chợ Bến Thành còn có 1 bến xe ngựa, phục vụ cho người dân đi chợ và đi buôn từ vùng ven, hoặc là để trung chuyển hành khách đi xe lửa:

Trước chợ Bến Thành cũng đã từng có một cầu bộ hành dành cho người đi bộ có thể tránh khỏi dòng xe cộ đông đúc ở trước chợ:

Từ cầu bộ hành nhìn về đại lộ Trần Hưng Đạo:

Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của chợ Bến Thành.

Một số ảnh xe cộ đông đúc trước chợ Bến Thành:

Một số hình ảnh đời thường khác ở chợ Bến Thành:

Đường Thủ Khoa Huân, nhìn từ ngã ba Lê Thánh Tôn – Thủ Khoa Huân, đằng trước Cửa Bắc chợ Bến Thành


Hình ảnh hiếm hoi chụp bên trong chợ Bến Thành

Nhắc đến chợ Bến Thành, không thể không nhắc đến ngôi chợ Bến Thành cũ  nằm ở vị trí đường Nguyễn Huệ ngày nay, bởi vì trước khi chợ Bến Thành được xây năm 1912, thì đã có một chợ Bến Thành khác, đã có từ thời vua Gia Long chưa lên ngôi. Năm 1788, khi Nguyễn Ánh tái chiếm được Gia Định từ quân Tây Sơn, liền cho xây dựng thành quách để phòng vệ, đó là thành Phiên An (Thành Quy). Sau này thành Quy (còn gọi là thành Bát Quái) bị phá hủy sau loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho xây dựng lại một thành khác có quy mô nhỏ hơn, là thành Gia Định (Thành Phụng).

Bên ngoài thành Gia Định là dòng sông Bến Nghé, có một bến sông (ngày nay là Bến Bạch Đằng) để cho khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mà được gọi là Bến Thành (tức bến trước khi vào thành); gần sát bến này có một khu chợ (ở vị trí đường Nguyễn Huệ – Hàm Nghi ngày nay) vì thế mà chợ này cũng được gọi là “chợ Bến Thành”. Đây là khu chợ sầm uất nhất Sài Gòn từ đó cho đến tận đầu thế kỷ 20, kéo dài hơn một thế kỷ.

Trong suốt thời gian đó, chợ Bến Thành cũ đã có 2 lần bị san bằng, rồi lại được hồi sinh mạnh mẽ. Lần đầu là sau loạn Lê Văn Khôi năm 1835, lần thứ 2 là Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859.

Khu Chợ Cũ ngày xưa là khu đất nằm giữa 4 con đường hiện nay là Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Hải Triều

Ngay sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn và bắt đầu quy hoạch thành phố theo kiểu Tây phương, người Pháp đã cho khôi phục lại chợ Bến Thành, không nằm ở vị trí gần cột cờ Thủ ngữ nữa mà lùi vào bên trong, ở khu vực giữa 4 đường hiện nay là Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu và Hải Triều. Từ sông Sài Gòn nhìn vô, chợ bên tay trái nhìn ra kinh chợ Vải (hay kinh Charner, sau này bị lấp thành đại lộ Charner, nay là đường Nguyễn Huệ).

Chợ Bến Thành vào thế kỷ 19, ở vị trí đường Nguyễn Huệ hiện nay

Ngôi chợ xây dựng rất nhanh và hoạt động từ năm 1860 với năm gian cột gỗ, mái lá. Sau khi được xây dựng lại, chợ cũ Bến Thành ngay lập tức tấp nập, ghe thuyền các nơi đổ đến mua bán chật kênh Charner trước chợ và rạch Cầu Sấu (nay là Hàm Nghi) góc trái sau chợ, là hai đường nước chở hàng hóa và khách đi chợ.

Chợ Cũ trên đường Charner năm 1895

Năm 1887, kinh Charner bị lấp thành đại lộ Charner (dân lúc đó gọi là đường Kinh Lấp, từ năm 1955 đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ). Hai bên đường, nhà cửa người Việt, Hoa, Ấn, Miên… san sát, buôn bán sầm uất đến mức xung quanh chợ là hàng loạt nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả tòa soạn báo.

Kinh Lớn, sau này trở thành đại lộ Charner – Nguyễn Huệ

Đầu đường bên trái hình là tháp nhọn Doudart de Lagrée. Lúc này chưa có Dinh Xã Tây, sau này tháp nhọn được dời về đầu đường Bonard để xây dựng Dinh Xã Tây.

Năm 1894, ý định xây chợ mới được mang ra bàn thảo để thay thế ngôi chợ cũ đã xuống cấp. Nhưng lúc đó thành phố cũng đang có các công trình xây dựng quan trọng khác là tòa thị chính, nhà hát thành phố. Vì tốn phí cho những việc này quá lớn nên việc xây dựng một ngôi chợ mới kiên cố hơn vẫn chưa được xem xét.

Tuy nhiên sau đó ngôi chợ ngày càng cũ nát, cùng với đó là kinh Chợ Vải nhiều rác bốc mùi hôi thối ngay trước Dinh Xã Tây (Tòa thị chính) đến mức cư dân xung quanh làm đơn phản đối lên Hội đồng TP Sài Gòn lúc ấy.

Chợ cũ bên bờ kênh, bên phải là đường Vannier (nay là Ngô Đức Kế), bên trái là đường Phủ Kiệt, nay là Hải Triều

Chợ Cũ. Khi này kênh đã bị lấp và Dinh Xã Tây đã được xây ở đầu đại lộ Charner

Đến đầu thế kỷ 20, chợ bị trải qua nhiều cơn bão, hỏa hoạn, có nguy cơ hỏa hoạn cao ảnh hưởng đến xung quanh, có thể bị sụp đổ bất kỳ lúc nào. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt có mái tôn nhẹ nên để lại. Đồng thời, chính quyền cũng khẩn cấp xây dựng chợ mới, tìm lựa chọn một địa điểm để xây cất để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Chợ Bến Thành mới được xây dựng năm 1912 và hoàn thành trong 2 năm.

Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa lúc đó, tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay, lúc đó chỉ là ao đầm. Ngôi chợ cũ được giải tán, chỉ còn lại 1 trong 5 gian cũ lợp tôn và vài quầy hàng, và vị trí đó được người Sài Gòn quen gọi là Chợ Cũ, tiếp tục sống đến tận hôm nay, hơn 1 thế kỷ.

Khu Chợ Cũ năm 1890. Đây là góc đường Canton và Rue d’Adran (nay là góc Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu). Tòa nhà giữa ảnh nay là tiệm Như Lan. Góc bên phải ảnh là vị trí của Bitexco ngày nay

Một ảnh khác của Canton – d’Adran. Đến năm 1920 thì đường Hàm Nghi mới mang tên Somme. Nhà bên trái là vị trí của Như Lan ngày nay

Đến cuối năm 2021, chính quyền mới có quyết định giải tỏa hoàn toàn khu chợ cũ.

Khu vực Chợ Cũ