SG Ky Uc

Lịch sử tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh _s2 – Petwonder

Với người Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ qua, hình ảnh tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh – Bến Bạch Đằng là hình ảnh quen thuộc không thể nào quên. Ban đầu tượng đài này được hải quân VNCH xây dựng từ khoảng năm 1967 để làm hình ảnh tượng trưng cho binh chủng này, nhưng dần dần bức tượng đã trở thành một phần của Sài Gòn xưa và nay.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh Đức Thánh Trần Hưng Đạo ngày xưa:

Tượng đài Trần Hưng Đạo và lư hương ở phía trước

Vị trí đặt tượng đài Trần Hưng Đạo mà chúng ta biết hiện nay là nơi đã trải qua nhiều thăng trầm, với nhiều bức tượng, tượng đài khác nhau trước khi xuất hiện tượng Trần Hưng Đạo như ngày nay.

Khi người Pháp bắt đầu xây dựng Sài Gòn thành một đô thị lớn và đặt tên đường từ năm 1863, vị trí này là giao của 3 con đường lớn. Vào năm 1875, một tháp nhọn hình chóp mang tên Lamaille được chuyển về vị trí này. Đây là tháp để vinh danh một người Pháp tên là Jules Lamaille (còn có tên khác là Navaillé), là một đại úy Hải quân Pháp đã có đóng góp nhiều trong việc phát triển thương mại tại Saigon và thuộc địa. Trước đó tháp Lamaille được dựng ở vị trí bờ sông đầu đường Catinat vào năm 1865.

Tháp Lamaille sau khi đã di dời

Vài năm sau đó (khoảng năm 1877), vị trí này còn được dựng thêm bức tượng Thủy sư đề đốc Pháp Charles Rigault de Genouilly (ở bên cạnh tháp Lamaille), nên công trường này mang tên là Rigault de Genouilly.

Tượng đài Rigault de Genouilly ở Công trường Rigault de Genouilly (nay là Công trường Mê Linh)

Thời đó người Sài Gòn thường quen gọi là Tượng Một Hình, Tượng Hai Hình và Tượng Ba Hình, trong đó bức tượng hình viên sĩ quan Pháp (Rigault de Genouilly) chính là Tượng Một Hình. Tượng Hai Hình được đặt ở trước Nhà Thờ Đức Bà (đầu đường Catinat), ở vị trí “tượng Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội” sau này. Gọi là “2 hình” vì đó là tượng của 2 người Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh. Tượnɡ Ba Hình là tượng Gambetta và 2 người lính Pháp từng nằm ở vị trí ngã tư đường Norodom – Pellerin (nay là Lê Duẩn – Pasteur).

Tháp Lamaille và “tượng một hình” Rigault de Genouilly.

Vài năm sau đó (cuối thập niên 1890), người Pháp thay tháp Lamaille bằng ngọn tháp nổi tiếng Doudart de Lagrée.

Trước đó, tháp Doudart de Lagrée được dựng năm 1877 ở đầu đường Charner (nay là Nguyễn Huệ), ở ngay vị trí mà sau này xây Dinh Xã Tây (tức Tòa Đô Chánh). Lúc đó đường Charner vẫn còn là một con kênh lớn. Đúng 10 năm sau (năm 1887), vì nhu cầu lấp kênh để làm đại lộ Charner, người Pháp chuyển tháp Doudart de Lagrée về đầu đường Bonard, ở ngay vị trí mà sau này xây Opera House. Lại đúng 10 năm sau đó (năm 1897), để lấy đất xây dựng Opera House, một lần nữa, cũng là lần cuối cùng, tháp Doudart de Lagrée lại được chuyển về vị trí công trường Rigault de Genouilly (tức là công trường Mê Linh hiện nay), và ngọn tháp nhọn nổi tiếng này tồn tại đến tận những năm 1960.

Tháp Doudart de Lagrée và “tượng một hình” Rigault de Genouilly

Nhiều người đã nhầm 2 tháp Lamaille và Doudart de Lagrée với nhau, vì đều là tháp nhọn và có phần đế bên dưới. Tuy nhiên có thể phân biệt với nhau bằng cách là tháp Lamaille có phần chóp nhọn hơn, còn tháp Doudart de Lagrée có phần đế to hơn.

Tháp Doudart de Lagrée năm 1877, ở vị trí ban đầu, nơi sau đó xây lên Dinh Xã Tây

Có một con đường gắn liền với công trường Mê Linh (công trường Rigault de Genouilly), đó là đường Hai Bà Trưng hiện nay. Đây là con đường nối từ sông Sài Gòn đến cho rạch Nhiêu Lộc (đoạn cầu Kiệu), ban đầu được người Pháp đặt tên là Impériale (Hoàng Đế). Đến năm 1870, đường đổi tên thành Nationale (Quốc Gia). Từ ngày 4 tháng 4 năm 1902, đường được đổi tên lại thành Paul Blanchy.

Năm 1952, đường Paul Blanchy đoạn từ công trường Rigault de Genouilly đến đại lộ Norodom (tức đại lộ Thống Nhứt, nay là đường Lê Duẩn) được chính quyền Quốc Gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại) đổi tên thành Trưng Nữ Vương. Đoạn còn lại (từ đại lộ Norodom đến cầu Kiệu) vẫn giữ tên cũ là Paul Blanchy. Đến năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa nhập 2 đường Trưng Nữ Vương và Paul Blanchy trở lại thành một, mang tên là Hai Bà Trưng, và tên đường này được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Trước đó, vào năm 1945, trong những ngày đầu của Cách Mạng Tháng 8 ở Sài Gòn, tượnɡ Gеnᴏᴜilly bị dỡ bỏ (riêng tháp Doudart de Lagrée vẫn còn lại thêm hơn 10 năm nữa), đến năm 1955 thì công trường Rigault de Genouilly cũng được đổi tên thành thành Công trường Mê Linh. Cái tên Mê Linh này gắn liền với Nhị vị Trưng Vương, để ghi ơn 2 vị nữ vương lập kinh đô tại Mê Linh sau khi phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán hồi thế kỷ 1. Càng ý nghĩa hơn nữa, bên cạnh đường Hai Bà Trưng còn có một con đường khác được đổi tên thành Thi Sách (tên đường thời Pháp là Cornulier), cũng nối ra công trường Mê Linh.

Công trường Mê Linh được thiết kế hình bán nguyệt, nhiều cây xanh và hoa cỏ, ở giữa có một hồ nước nhân tạo từ đầu thập niên 1960.

Năm 1962, tại vị trí Tượng Một Hình cũ, chính quyền xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế.

Bà Trần Lệ Xuân trong lễ khánh thành tượng đài Hai Bà Trưng

Tuy nhiên tượng đài này chỉ tồn tại được khoảng 1 năm. Đến năm 1963, khi đệ nhất cộng hòa sụp đổ, lấy lý do rằng gương mặt của tượng đài Hai Bà Trưng trông giống gương mặt 2 mẹ con bà Nhu nên đám đông đã giật đổ tượng, chỉ còn trơ lại phần đế.

Suốt trong gần 4 năm, phần đế này để trống, cho đến năm 1967, Hải quân VNCH kết hợp với Hội Đức Thánh Trần tổ chức thi tạc tượng Trần Hưng Đạo để đặt tại công trường Mê Linh (Đức Thánh Trần Hưng Đạo cũng được xem là thánh tổ của binh chủng hải quân VNCH). Tác phẩm của một tác giả trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Sài Gòn tên là Phạm Thông đã thắng giải. Tượng cao gần 6m, đứng trên bệ tượng hình lăng trụ tam giác cao gần 10m. Phần bệ này được xây bọc đế tượng Hai Bà Trưng cũ vào bên trong.

Thời điểm đang thi công tượng đài Trần Hưng Đạo

Cho đến nay, tượng Trần Hưng Đạo vẫn còn lại, đứng oai nghiêm chỉ ra phía xa sông Sài Gòn.

nhacxua.vn biên soạn