👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !
Cho tới nay, với người Việt, nhắc tới danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông” thì thường nghĩ tới Sài Gòn ngày xưa. Tuy nhiên có một điều ít người biết, mỹ hiệu này không dành riêng cho Sài Gòn, mà rất nhiều thành phố khác ở vùng Đông Á cũng từng được gọi như vậy, trong đó có Hà Nội, Singapore, Hongkong, Thượng Hải, thậm chí là Phnom Penh, Srilanka… Có một điều cần làm rõ, việc thành phố nào mang danh xưng mỹ hiệu này, không có nghĩa là thành phố đó phải là ở vị trí số 1 của vùng Viễn đông. Nó chỉ thể hiện cho một triển vọng phát triển, hoặc đó là mục tiêu hướng tới. Việc mục tiêu phát triển phồn thịnh đó có thành hiện thực hay không, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Từ cuối thế kỷ 19, những năm đầu thế kỷ 20, Sài Gòn được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông, tên tiếng Anh là Pearl of the Far East; tiếng Pháp là La Perle de l’Extrême-Orient.
Với báo chí ở Sài Gòn khoảng 80-90 năm trước, tên gọi này được nhắc tới với sự khác biệt đôi chút, gọi theo phương ngữ người Nam, tờ Nam Kỳ Tuần báo ghi danh xưng của Sài Gòn là “Hột Trân châu Viễn Đông”, hoặc “Hột ngọc Viễn đông”.
Sáng 28/2/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo tham vấn quy hoạch Sài Gòn thời kỳ 2021-2030, và ông Bộ trưởng đã phát biểu như sau:
“Tp.HCM hiện đang như lò xo bị bó kỹ, làm sao quy hoạch này tác động vào làm bật lên, nó bật lên thì sẽ phát triển như vũ bão. Tôi hoàn toàn tin tưởng với tư duy cách tiếp cận mới, tầm nhìn đột phá, sáng tạo… chắc chắn thành phố sẽ phát triển bứt phá, xứng đáng quay lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông”.
Như vậy, chính quyền hiện nay cũng đã gián tiếp công nhận là Sài Gòn xưa từng là Hòn ngọc Viễn Đông, và đang cố gắng để quay lại vị trí này.
Vì sao Sài Gòn lại được gán với mỹ hiệu này? Nếu nhìn lại công tâm thì kể từ đầu thế kỷ 20 Sài Gòn không còn là thủ đô của Liên bang Đông Dương nữa (Hà Nội được chọn làm thủ đô của Đông Dương từ năm 1902), và nếu xét về sự phồn thịnh, giàu có, từ thế kỷ 20 Sài Gòn đã không sánh bằng được Singapore, Hongkong hay Thượng Hải, và từ nửa sau thế kỷ 20 đã tỏ ra hụt hơi vì chiến tranh liên miên hủy hoại nền kinh tế và cuộc sống bình yên của người dân.
Việc Sài Gòn được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” từ thế kỷ 19, có lẽ là vì đây là thành phố đầu tiên được Pháp xây dựng ở vùng Viễn Đông, và “hòn ngọc Viễn đông” là mục tiêu mà người Pháp hướng tới khi bắt đầu quy hoạch Sài Gòn kể từ năm 1862.
Trong suốt những năm cuối thế kỷ 19, thành phố Sài Gòn như là một đại công trình, được người Pháp xây dựng gần như từ đầu, hòng biến nơi này thành một Paris thu nhỏ, với hàng loạt những công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp. Trong đó có nhiều công trình hạ tầng được xây dựng vào thời kỳ này vẫn còn lại tới ngày nay.
Không dừng lại ở Sài Gòn, thời gian sau đó Pháp lần lượt chiếm đánh hết lãnh thổ Nam Kỳ, chiếm thêm Trung và Bắc Kỳ làm nhượng địa (hoặc lãnh thổ mà gọi là “xứ bảo hộ”), rồi cả Campuchia, Lào, Quảng Châu, để rồi gộp chung thành Liên bang Đông Dương thuộc Pháp (Đông Pháp). Thực dân Pháp có tham vọng tạo lập một đế chế rộng lớn và giàu mạnh thuộc Pháp ở vùng Viễn Đông để ganh đua với thực dân Anh lúc đó đã có thuộc địa ở khắp thế giới. Sài Gòn chính là điểm khởi đầu của đế chế đó.
Danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông được người Pháp đặt cho Sài Gòn thực chất là sự định hướng phát triển, mong muốn mang tới sự thịnh vượng cho thành phố này, cũng là nhằm làm rạng rỡ thêm cho “mẫu quốc”. Thực tế, cho tới đầu thế kỷ 20, so với các thành phố khác vùng viễn Đông, Sài Gòn từng là một viên ngọc đầy triển vọng, được nước Pháp đầu tư rất nhiều tiền của vào cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho công cuộc khai thác thuộc địa được hiệu quả. Người đẩy mạnh nhất công cuộc đầu tư hạ tầng cho Đông Dương, cũng như đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa ở Viễn Đông chính là Paul Doumer, người chỉ nắm chức vụ Toàn quyền có một nhiệm kỳ ngắn ngủi (1897-1902) nhưng đã để lại nhiều dấu ấn vẫn còn lại tới nay. Sau đó ông về nước, làm Bộ trưởng rồi được bầu làm Tổng thống nước Pháp.
Mục tiêu đưa Sài Gòn thành Hòn Ngọc Viễn Đông còn thể hiện khát vọng của người Pháp, mong muốn sau khi đã chiếm lĩnh toàn bộ Đông Dương, họ xây dựng Sài Gòn thành thủ phủ phía Nam, chủ yếu nhằm khai thác nguồn tài nguyên, nhân lực và thị trường rộng lớn một vùng đất gồm Đông Dương, Đông Nam Á và cả miền Hoa Nam của Trung Quốc. Trong giai đoạn xây dựng ban đầu, Sài Gòn đón nhận những con người năng động nhất đến từ khắp nơi, tìm cách làm giàu ở thương cảng lớn này. Từ lúc đó, Sài Gòn không chỉ phát triển từ từ, mà phát triển vượt bực, và cảng Sài Gòn trở thành thương cảng nhộn nhịp nhất Đông Á những năm cuối thế kỷ 19.
Các Quan Toàn quyền Đông Dương kế nhiệm đều tiếp tục kế hoạch mà Paul Doumer đã dày công soạn sẵn. Nhưng rồi những tính toán của nước Pháp không qua được thời cuộc. Họ khai thác thuộc địa được giữa chừng thì 2 cuộc thế chiến liên tục nổ ra, chính quốc Pháp lần lượt thất thế trước Đức, Nhật, nên dần suy yếu, dẫn tới chính quyền ở thuộc địa cũng rối ren. Công cuộc cai trị ở Viễn đông không theo kế hoạch, sự yếu kém của chính quyền dẫn tới phần lớn người dân bản xứ ngày càng bị bần cùng, là khởi đầu của nhiều cuộc nổi dậy.
Trước hoàn cảnh thời cuộc như vậy, Sài Gòn không còn được đầu tư phát triển nữa. Chính quyền đã yếu kém, còn các nhà tư bản thì lo sợ tình hình bất ổn nên lần lượt rút vốn. Những năm sau đó, Sài Gòn cùng với toàn Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc chiếc Pháp – Nhật, rồi chiến tranh Đông Dương nổ ra năm 1946, dần dần làm cho danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” của Sài Gòn trở nên hữu danh vô thực, ít nhất là so với các thành phố mới nổi như Bangkok hay Seoul, và càng không thể cạnh tranh với Singapore, Hongkong, là những “Hòn ngọc Viễn đông” đích thực.
Đông Kha