SG Ky Uc

Những hình ảnh tàu thuyền tấp nập ở Bến Nghé sông Sài Gòn suốt hơn 1 thế kỷ _Sgx – news-s1

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Sông Bến Nghé là một phần của sông Sài Gòn (thuộc hệ thống sông Đồng Nai), là đoạn sông từ cư xá Thanh Đa đến nơi đổ vào sông Đồng Nai ở đoạn Thạnh Mỹ Lợi (Thủ Đức).

Cái tên địa danh Bến Nghé xuất hiện khá sớm, ban đầu là tên của một bến nước ở Sài Gòn, sau đó là tên của một đoạn của sông Sài Gòn, hiện nay thì dùng để chỉ một địa phường (Phường Bến Nghé thuộc quận 1 của Sài Gòn).

Tuy nhiên, hiện nay trên bản đồ khúc sông này vẫn được ghi là sông Sài Gòn, còn cái tên Bến Nghé hiện chỉ còn dùng để chỉ một con rạch nhỏ đổ ra sông. Rạch Bến Nghé là ranh giới tự nhiên của quận 1 và quận 4, bắt đầu từ ngã 3 sông Sài Gòn (sông Bến Nghé), kết thúc tại ngã tư nơi giao với kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ và kênh Đôi. Các cây cầu bắc qua rạch Bến Nghé hiện nay theo thứ tự là cầu Khánh Hội, cầu Mống, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ.

Rạch Bến Nghé ở đoạn trên của hình, có thể thấy được cầu Khánh Hội và cầu Mống bắt qua con rạch

Sài Gòn trước khi bị người Pháp chiếm là một nơi có kênh rạch chằng chịt chảy xung quanh thành Gia Định, đặc biệt là lúc đó khu vực trung tâm Sài Gòn hầu như toàn bộ là các kênh/rạch dẫn nước, rất thuận tiện cho giao thương đường thủy, do đó sông Bến Nghé năm xưa luôn nhộn nhịp tàu thuyền, thương cảng Bến Nghé (nay là Cảng Sài Gòn) thu hút tàu bè của thương nhân ngoại quốc đến buôn bán đông đảo.

Toàn cảnh bến Cảng Sài Gòn thập niên 1960

Sự giao thương đường thủy nhộn nhịp đó dẫn đến sự hình thành các bến thuyền dọc rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, cho đến hàng trăm năm sau đó, những con đường dọc bờ sông hoặc kênh rạch vẫn được gọi là Bến (tức bến thuyền), chứ không gọi là đường, như là Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Vân Đồn, Bến Hàm Tử, Bến Trần Văn Kiểu…

Chữ “Bến” đó cũng xuất hiện từ thời Pháp đặt tên đường, như Bến Bạch Đằng từng mang tên quai de Donnai, quai Napoleon, quai du Commerce, quai Francis Garnier, quai le-Myre-de-Vilers, Bến Chương Dương – Bến Hàm Tử (tức Võ Văn Kiệt ngày nay) từng mang tên quai de l’Arroyo Chinois, quai de Belgique, quai de Cho-Quan, Bến Trần Văn Kiểu tên là quai de Mytho… Chữ “quai” trong tiếng Pháp chính là “bến tàu”.

quai de Belgique xưa (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt)

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả sông Bến Nghé rộng 142 tầm (1 tầm = 3.2m), sâu 10 tầm, khi nước lên sâu 13 thước ta (1 thước ta = 0.324m), sông này vừa rộng lớn vừa trong sâu, những tàu buôn và ghe thuyền sông biển trong và ngoài nước ra vào không ngớt, trông thấy đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít, đủ biết đó là nơi đô hội.

Khi người Pháp chiếm được Gia Định, họ đã cho san lấp hết các kênh rạch ở khu vực giáp sông Bến Nghé (là Quận 1 ngày nay) và xây dựng trên đó nhiều dinh thự (Dinh Norodom, dinh Toàn quyền, dinh Thống đốc…), công sở (Bưu điện, Pháp đình, tòa thị chính…), xây một số khách sạn và nhà thờ, đồng thời tổ chức quy hoạch đường sá để biến Sài Gòn thành một đô thị ở vùng Viễn Đông theo kiểu mẫu Paris. Kể từ đó, bộ mặt của Gia Định cũ bị thay đổi, tuy nhiên giao thương đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng với Sài Gòn, nơi có cửa ngõ là sông Bến Nghé luôn tấp nập tàu thuyền ghé bến.

Đại lộ Nguyễn Huệ khi còn là một con kênh nhỏ chảy ra sông Bến Nghé

Ngoài ra, ngay từ năm 1890 người Pháp đã cho xây dựng cảng Ba Son, là nơi có những nhà xưởng đồ sộ và ụ tàu để đóng và sửa chữa tàu, là di sản hàng hải lâu đời của Sài Gòn. Cảng Ba Son nằm ở khu vực sông Bến Nghé tiếp giáp với rạch Thị Nghè.

Trong bài này mới các bạn nhìn lại những hình ảnh nhộn nhịp trên sông Bến Nghé trong thời gian 100 năm, kể từ thế kỷ 19.

Sông Sài Gòn năm 1866 và bến Nhà Rồng ở quận 4 ngày nay
Rạch Bến Nghé đổ ra sông Sài Gòn, nơi có cầu quay Khánh Hội
Cột cờ Thủ ngữ ở Bến Bạch Đằng ngày nay. Ảnh chụp năm 1866
Cờ Thủ ngữ ở Bến Bạch Đằng ngày nay. So với ảnh bên trên ảnh này có thêm tòa nhà của ông Wang Tai (Vương Đại) đang được xây dựng, nằm ở góc Hàm Nghi – Bến Bạch Đằng ngày nay.
Thuyền trên sông Bến Nghé năm 1866
Rạch Bến Nghé khoảng thập niên 1870. Dãy nhà nhà trong hình nay nằm trên con đường ngày nay là đại lộ Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương cũ)
Toàn cảnh rạch Bến Nghé và sông Bến Nghé thập niên 1870
Tàu trên sông Sài Gòn năm 1888. Thời điểm này đoạn đường này được người Pháp đặt tên là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thàmh Quai le Myre de Vilers. Từ năm 1955, đường này mang tên Bến Bạch Đằng. Ngày nay đường này là 1 phần của đường Tôn Đức Thắng

Trước đây, sông Bến Nghé còn có tên là Ngưu Chữ, Ngưu Tân hay Tân Bình giang (do chảy qua phủ Tân Bình xưa), theo nghĩa: Ngưu là trâu; tân hay chữ là bến; giang là sông.

Có 2 thuyết giải thích cho cái tên Bến Nghé:

Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.

Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé)…Cho nên Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu như trong bài “Gia Định thất thủ vịnh”: Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu”.

Bến Cảng nhìn từ Quận 4
Toàn cảnh Bến Bạch Đằng, Bến trái là sông Bến Nghé. Bên trái hình là đoạn cầu Khánh Hội, qua bên kia cầu là đường Trình Minh Thế (nay là đường Nguyễn Tất Thành) để đi Quận 4.

Nhắc đến sông Bến Nghé, không thể không nhắc đến bến phà (và đò) Thủ Thiêm, đưa khách từ Bến Bạch Đằng sang bán đảo Thủ Thiêm xưa.

Bên kia sông Bến Nghé là bán đảo Thủ Thiêm

Một khu vực nổi tiếng khác, ranh giới của sông Bến Nghé và trung tâm Sài Gòn, chính là Bến Bạch Đằng, nơi có rất nhiều tàu hải quân neo đậu vào thập niên 1960-1970.

Bến đò gần cột Thủ ngữ năm 1890, nay là Bến Bạch Đằng

Một đoạn đường Bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao, góc nhìn toàn cảnh của 2 đại lộ Hàm Nghi – Nguyễn Huệ và đường Tự Do. Ngoài cùng bên phải là công trường Mê Linh
Phía bên tay trái là đoạn giao giữa Bến Bạch Đằng và Bến Hàm Tử (nay trở thành đường Võ Văn Kiệt). Đó cũng là nơi tiếp giáp của sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé.
Từ sông Bến Nghé nhìn vào đầu đường Bến Bạch Đằng, đầu đại lộ Hàm Nghi
Từ sông Bến Nghé nhìn vào đầu đại lộ Nguyễn Huệ
Hàng ghế để ngồi uống cafe nước ngọt hóng mát ở dọc Bến Bạch Đằng

Bến Bạch Đằng và tàu thuyền trên sông Bến Nghé

Một vài hình ảnh công trường Mê Linh nằm trên Bến Bạch Đằng, nhìn ra sông Bến Nghé:

Ở ngay bến Bạch Đằng, nhìn ra sông Bến Nghé là một trong những khách sạn lâu đời nhất Sài Gòn: Majestic. Từ trên Majestic có thể nhìn toàn cảnh sông Bến Nghé và Bến Bạch Đằng. Sau đây là những hình ảnh chụp từ trên Majectic xuống bến sông:

Một số hình ảnh khác của sông Bến Nghé (sông Sài Gòn):

Bến phà Thủ Thiêm và Xưởng đóng tàu CARIC

Cũng tại nơi đây, năm 1954, Bến Nghé đã đón chào hàng trăm ngàn người cư đường biển:

Đông Kha – chuyenxua.net