SG Ky Uc

Tiểu thư sống ở đường Tự Do (Sài Gòn xưa)-s1

Những năm sống trên đường Tự Do (nay là đường Đồng khởi), quận Nhứt, là những năm vô tư và đầm ấm đối với tôi. Đó là những năm 1960, đường sá rộng rềnh, xe cộ ít, luôn có cảm giác thoải mái khi ra đường.

Nhà tôi ở số 116 đường Tự Do. Tôi được sinh ra khi cả nhà đang ở trên đường Freres Louis (sau là đường Võ Tánh). Lúc đó, Sài Gòn đang có giặc Bình Xuyên. Sau gia đình chuyển về sống trên đường Tự Do. Tôi lớn lên ở đó, đến năm 1973 mới về Phú Nhuận. Ở đường Tự Do, bà mẹ tôi có cửa hàng bán vải và may quần áo đàn ông. Thời đó khách hàng đa số là người Pháp và người Ý. Hầu như không có khách hàng người Mỹ.

Phía bên phải nhà tôi là tiệm photo Long Biên, kế đó là khách sạn Caravelle. Bên trái là quán bar Le Parsien của một cặp vợ chồng người Pháp.

khách sạn Caravelle

Cùng dãy nhà là những tiệm quần áo và may mặc như Tân Cương, Tân Tân và có tiệm kính của một gia đình người Pháp. Con gái tiệm kính này là bạn lối xóm nên tôi thường qua nhà cô ấy chơi và đàn piano.

Tiệm photo Long Biên ở bên trái hình này. Vì vậy căn nhà của người viết bài này nằm ở chính giữa hình

Tiệm photo Long Biên có cậu con trai tên là Dũng, sau này cưới ca sĩ Thanh Lan. Phía sau bếp, trên lầu nhà tôi có balcon hướng ra ngoài. Các chị em trong nhà thường ra balcon để nghe ca sĩ Thanh Lan vừa làm việc nhà vừa hát rất hay. Cả bọn còn qua xin hình Thanh Lan nữa.

Đối diện nhà, bên kia đường là những tiệm buôn các mặt hàng như tiệm Mỹ nghệ Provence, tiệm may Cát Thịnh, các tiệm uốn tóc, tiệm bán nữ trang, tiệm vải Bombay của người Ấn Độ.

Lúc đó, xe ô tô trên đường có vài hiệu của Pháp như Citroen, Peugoet cùng những chiếc taxi sơn vàng và xanh. Không thấy xe xích lô nhiều thời đó, nhưng nhiều xe ba bánh gắn máy. Ba tôi có một xe hơi hiệu Traction màu đen, sau đó ông đổi chiếc xe khác của Mỹ hiệu Studebaker. Xe này dài hơn, rộng rãi hơn và kiểu dáng sắc sảo với những đường nét thẳng, mạnh. Trong khi đó, xe Pháp lại có kiểu dáng tròn với những đường nét mềm mại. Ba tôi thuê nơi để xe hơi tại công ty giữ xe Texaco nằm sát bên rạp chiều phim Rex, đối diện với Toà Đô Chánh (nay là Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố). Sáng nào chúng tôi và con chó Loupi cũng theo ba tôi đến Texaco để lấy xe, rồi ba đưa các con đến trường. Chiều đón về, lái xe vào đó cất và chúng tôi đi bộ về nhà.

Anh em nhà tôi có tất cả bảy người, một lũ tinh nghịch. Thường cùng trêu chọc cô gái hàng xóm có mái tóc đánh rối rất cao, bảo là cô có cài nồi trên đầu. Mấy anh em thường đi bộ ra bên Bạch Đằng chơi vào buổi chiều. Hoặc lẻn vào công ty hàng không Air France nằm ngay góc Tự Do, đối diện xéo Nhà Quốc Hội (nay là Nhà hát Thành Phố).

Có lúc được chị người làm dẫn đi chơi dọc đường Nguyễn Huệ. Lúc đó rất nhiều kiosque trên con đường này, bán hoa và bán máy ảnh, photocopy, phim chụp hình. Lúc đó tượng người lính cầm súng chĩa vào quốc hội chưa được dựng lên tại đây.

Một thời để nhớ – Rạp chớp bóng REX – Cinema hiện đại nhất Đông Nam Á thập niên 1960

Ở gần rạp REX, sướng nhất là được coi phim thường xuyên. Đối diện rạp REX là vũ trường Queen Bee. Còn thú vui nữa là vào Thương xá TAX xem đồ đạc, ra bến Bạch Đằng thả diều. Trên đường Tự Do có nhiều vũ trường hơn trên đường Nguyễn Huệ. Từ đường Nguyễn Huệ đến chợ Sài Gòn không xa, nhưng chúng tôi không được phép đi một mình.

Tiệm Thái Thạch

Trên đường còn có Sài Gòn Departo, Alimentation Thái Thạch và nhiều tiệm buôn bán khác mà chị em chúng tôi đi ngang qua mỗi khi đi dạo phố ra bến Bạch Đằng hoặc đi dạo đến Công viên Chi Lăng.

Công viên Chi Lăng

Phòng trà Tự Do hay chơi nhạc lớn lắm. Chúng tôi không được vào đó nhưng có những buổi chiều các anh dẫn tôi đến đó, đứng bên ngoài lén nhìn vào thế giới quyến rũ ấy. Do anh chị em trong nhà đều học trường Pháp từ mẫu giáo đến hết trung học nên ảnh hưởng văn hoá Pháp khá nhiều, từ ăn mặc, nói năng, cách sống và thưởng thức nghệ thuật. Ví dụ như thời trung học, thỉnh thoảng tôi được dự những buổi họp mặt bạn bè có khiêu vũ, xưa gọi là “nhảy đầm” hay là đi “boom”. Tuy vậy, ăn uống trong nhà thì vừa Việt vừa Pháp. Anh em chúng tôi thích nhạc Pháp nhưng vẫn nghe nhạc Việt vì ba má thường nghe. Đến những năm 1970, chúng tôi thưởng thức cả nhạc Anh – Mỹ và các nước khác.

Nhà sách Xuân Thu nằm cách nhà hàng Givral không xa lắm. Bên cạnh là tiệm bán thuốc Tây. Sát bên tiệm bán thuốc Tây là một con hẻm nhỏ. Tại đây họ bán những cuốn sách cho thanh thiếu niên hoặc sách hoạt hình loại Second hàng. Nào là Salut les copains, Tintin, Sissi và có bán cả đĩa hát loại lớn nữa. Anh tôi rất mê đến chỗ này làm để xem và đọc. Ở Tự Do có rạp cine Eden, trước rạp có những bà bán gánh hàng rong rất hấp dẫn. Trong khu hành lang Eden có nhiều tiệm bán hàng souvenir và quần áo.

Hành lang Eden, chiếc xe hơi bên tay phải hình đang đậu trước nhà sách Xuân Thu

Đêm đến, đường Tự Do và Nguyễn Huệ rất nhộn nhịp. Những quán bar, vũ trường đông nghẹt khác, tiếng nhạc rộn rịp. Những bộ quân phục của đủ các loại binh chủng cả Việt lẫn Mỹ xuất hiện rất đông, nhất là vào cuối tuần. Các anh lính được nghỉ phép đưa “đào” đi chơi trên phố. Những chiếc xe jeep của quân cảnh và M.P (military police) chạy qua chạy lại trên phố để sẵn sàng can thiệp vào nếu có anh lính nào đó say rượu và quậy phá trên đường.

Vào những năm 1966-1973, tôi thấy nhiều em nhỏ đi trên đường, tay cầm theo những thùng đánh giày. Các em đánh giày cho lính Mỹ, lính Việt hoặc những ông Tây đi làm. Khách muốn đánh giày thì dừng lại, chân gác trên thùng gỗ nhỏ của các em, còn các em thì hì hục cúi xuống đánh giày cho khách bóng loáng.

Thỉnh thoảng những năm 1963-1973, tôi được xem những đoạn phim câm đen trắng của Charlot. Tôi và bọn con nít trả vài đồng rồi chúi đầu vào một cái máy quay phim. Đây là cine di động rẻ tiền vì máy quay phim được lắp đằng sau một chiếc xe đạp. Khi coi thì dí mắt sát vào những cái lỗ nhỏ bên hông cái thùng chiếu phim. Chẳng nghe tiếng tăm gì cả nhưng lúc đó rất vui và hào hứng.

Chúng tôi thường ăn ở nhà trước khi đi học, còn vào cuối tuần, sáng thứ Bảy và Chủ Nhật thì ba dẫn chúng tôi qua quán cà phê Bordard nằm ngay góc đường Nguyễn Thiệp để ăn croissant. Con chó Loupi của chúng tôi không được vào nên nó phải ngồi chờ ở bên ngoài quán. Ba tôi sai chúng tôi đem croissant ra cho nó ăn nữa. Thời ban đầu Brodard chỉ quán phía dưới lầu một. Vào những năm 1970 thì xây lên một lầu. Lúc đó thanh niên thiếu nữ hẹn hò tại đây nhiều lắm. Cạnh Brodard là tiệm giày Bata rất nổi tiếng vào thời đó.

Ngoài ra còn những tiệm kem rất ngon trên đường Nguyễn Huệ, không xa rạp cine.

Thỉnh thoảng vào buổi tối, ba đưa chúng tôi đi ăn ở tiệm ăn người tàu. Họ bán cháo cá rất ngon, tiệm nằm trên đường Thái Lập Thành ngày xưa. Gần đó cũng có tiệm bán cơm thố của người Tàu, rất ngon với món gà hấp cải bẹ xanh, thịt heo quay. Hàng ngày có những bà bán hàng rong, gánh hàng rong đủ loại. Nào là bán đậu hũ nước đường, bán xôi, bán chè mè đen. Tối đến thì nghe tiếng lóc cóc của những chiếc xe mì, hủ tiếu hoặc tiếng rao “Ai ăn bánh khúc không?” của người đàn ông lớn tuổi đạp xe đạp chở theo sau một nồi bánh khúc nóng.

Cuộc sống thời thơ ấu của tôi đầy ắp những kỷ niệm vui có mà buồn, lo sợ cũng có. Buồn và sợ hãi khi ngoài đường xảy ra đảo chánh, bị nổ bom hay bắn nhau ở đâu đó khiến cửa kiếng nhà tôi và cửa hàng của ba tôi bị vỡ. Tôi còn nhớ chị em tôi phải lấy băng keo và dán chéo qua lại trên kiếng để hy vọng kiếng sẽ không bị bể nát. Nhìn ra đường thì thấy những anh lính nằm sấp trên mặt đường lăm lăm những khẩu súng dài, đằng sau những hàng cây me, đề phòng những chuyện bất trắc xảy ra trên đường phố. Thời gian đó anh chị em chúng tôi không được ra ngoài phố một mình. Lúc Sài Gòn đảo chánh, ngoài đường bắn súng ầm ầm. Ba tôi bắt tôi và cô em út nằm giữa cái nệm mỏng, rồi cuộn chúng tôi lại để tránh lạc đạn vào nhà. May mắn khoảng thời gian nếm mùi súng đạn và chiến tranh giữa lòng Sài Gòn không kéo dài lắm. Đó là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến thế nào là chiến tranh và thấy đường Tự Do và Nguyễn Huệ vắng như chùa Bà Đanh.

Tác giả: Đào Kim Nga