Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kiều Chinh hay Kim Cương đều là những cái tên đình đám ở Sài Gòn vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Họ được liệt vào danh sách tứ đại mỹ nhân, những người không chỉ có nhan sắc được người người ngưỡng mộ mà còn có tài năng xuất chúng trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu. Là những cô gái “tài sắc vẹn toàn”, vậy nhưng cuộc đời của họ cũng lắm gian truân.
Kiều Chinh
Kiều Chinh là một trong những diễn viên đầu tiên của điện ảnh miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là diễn viên người Việt đầu tiên gặt hái được thành công ở Hollywood. Gắn bó với diễn xuất trong hơn 50 năm, bà đã có một sự nghiệp huy hoàng mà cho tới nay hầu như rất ít diễn viên Việt Nam nào có được.
Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Kiều Chinh. Bà sinh ngày 3/9/1937 trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Do mẹ mất sớm nên Kiều Chinh được bố rất mực cưng chiều.
Năm 1954, bố con Kiều Chinh bị thất lạc nhau. 17 tuổi, bà một mình vào Nam. Năm 20 tuổi, bà bén duyên điện ảnh với vai ni cô trong bộ phim “Hồi chuông Thiên Mụ”. Trước đó, bà đã được các nhà làm phim Mỹ mời tham gia đóng vai Phượng trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”. Tuy nhiên, do người thân không đồng ý nên bà buộc lòng phải từ chối.
Sau “Hồi chuông Thiên Mụ”, Kiều Chinh tham gia hàng loạt các bộ phim của các đạo diễn Việt Nam cũng như đạo diễn các nước Châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Singapore. Bà cũng vinh dự trở thành một trong những diễn viên Việt đầu tiên được các nhà làm phim Hoa Kỳ chú ý. Bà tham gia các phim như Operation CIA, A Yank in Vietnam, Devil Within, Destination Vietnam. Đặc biệt, trong phim Devil Within, Kiều Trinh được vượt qua hàng loạt những gương mặt xinh đẹp và nổi tiếng khác để vào vai Công chúa Ấn Độ.
Sau năm 1975, Kiều Chinh cùng gia đình chuyển sang sinh sống tại Canada. Từ một diễn viên nổi tiếng như cồn, Kiều Chinh phải làm đủ các nghề cơ cực ở xứ người như quét dọn, thậm chí hốt phân gà với số tiền công ít ỏi để kiếm sống và nuôi gia đình.
Năm 38 tuổi, Kiều Chinh được bảo lãnh qua Mỹ và bà quyết định quay trở lại với điện ảnh. Bà chọn bắt đầu trở lại sự nghiệp diễn xuất từ cái nôi của điện ảnh thế giới Hollywood, nơi vốn là mảnh đất cực kỳ khắc nghiệt đối với diễn viên, nhất là những diễn viên gốc Á.
Từ những vai diễn nhỏ với vài câu thoại ngắn ngủi, sau đó hai năm, Kiều Chinh đã xuất sắc nhận được các vai chính trong các bộ phim truyền hình và có cơ hội diễn xuất cùng những tài tử của Hollywood.
Tính tới thời điểm hiện tại, bà đã có mặt trong 100 bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Trong đó có những bộ phim nổi tiếng như “The Letter” (1986), “Welcome Home (1989), “Vietnam-Texas” (1989), “What Cooking” (2000), “Face” (2001), “Journey from The Fall” (2004). Với vai diễn trong phim “Joy Luck Club”, Kiều Chinh lọt vào danh sách 50 diễn viên làm khán giả khóc nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.
Ngoài điện ảnh, tài năng của Kiều Chinh còn được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực khác. Bà được mời làm diễn giả chuyên nghiệp cho The Greater Talent Network, Inc., – một tổ chức chuyên cung cấp những diễn giả nhà nghề cho các trường đại học và các tổ chức văn hoá trên toàn nước Mỹ.
Thẩm Thúy Hằng
Nổi tiếng từ vai diễn Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương”, Thẩm Thúy Hằng được người hâm mộ gọi luôn bằng biệt danh này kể từ đó. Nhờ tài năng và nhan sắc, bà cũng được xem là biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng, lớn lên tại An Giang, sau đó khởi nghiệp với vai diễn đầu tiên năm 1958 tại hãng phim Mỹ Vân. Ngay sau đó, vai diễn người đẹp Bình Dương đã giúp bà vụt sáng trở thành minh tinh châu Á suốt những thập kỷ 60 – 70.
Với nhan sắc mặn mà cùng lối diễn xuất tài hoa, Thẩm Thúy Hằng liên tiếp xuất hiện và thành công trên mọi tác phẩm bà góp mặt. Công chúng ưu ái gọi bà là “Nữ hoàng của sân khấu đèn màu”. Tên tuổi người đẹp còn vượt ra hẳn Việt Nam, vươn đến tầm minh tinh châu Á khi liên tục nhận được giải thưởng tại các liên hoan phim lớn tại nước ngoài như LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 – 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Mátxcơva và Tasken tại Liên Xô năm 1982…
Kim Cương
NS Kim Cương sinh năm 1937 trong một gia đình 3 đời làm nghệ thuật, từ bà cố, bà nội và cha mẹ ruột đều làm bầu gánh, nổi danh đất Sài thành. Vì thế, có thể nói, NS Kim Cương được lên sân khấu từ lúc còn nằm trong bụng mẹ.
Thời điểm những năm trước 1975, Kim Cương được xưng tụng là một trong “tứ đại mỹ nhân” của Sài Gòn, cùng với Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Kiều Trinh. Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, bà cố, bà nội và cha ruột đều làm bầu gánh, bên mẹ có 12 người cậu dì thì 4 người nổi danh là Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền, bà đến với sân khấu từ lúc mới sinh được 10 ngày tuổi trong vai con của Quan Âm Thị Kính. Lớn lên một chút, Kim Cương trở thành cô đào nhí trong đoàn hát Đại Phước Cương, cùng cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Với nhiều biến cố của thời cuộc, gánh hát phải di tản, Kim Cương bị mẹ, các dì, những nghệ sĩ lớn thời ấy như Bảy Sang, Phùng Há, Thanh Tùng… quyết liệt cấm cản cô bé theo nghề hát. Nhưng, như một định mệnh, Kim Cương cuối cùng cũng từ bỏ sách đèn, đi theo tiếng gọi của sân khấu.
Không chỉ diễn xuất, Kim Cương đảm nhiệm luôn việc viết kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất. Đặc biệt, điều mọi người phục nhất ở bà là, suốt mấy chục năm, bà luôn làm trưởng đoàn hát, quản lý, đốc thúc hàng chục con người. Trong khi nghệ sĩ tâm hồn bay bổng thì người làm quản lý lại đòi hỏi sự chặt chẽ của lý trí. Có lẽ vì Kim Cương hòa hợp được cả hai điều đó nên ký giả phong cho bà là “kỳ nữ”.
Mải mê với nghệ thuật, năm 35 tuổi nữ nghệ sĩ mới lập gia đình lần đầu tiên. Bà và chồng có với nhau một con trai. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân duy trì được 15 năm.
Ở tuổi 50, bà bắt đầu một tình yêu mới. Cuộc tình ấy cũng chỉ kéo dài 2 năm. Từ đó đến nay, nữ nghệ sĩ sống cảnh lẻ bóng và bắt tay vào nhiều dự án thiện nguyện.
Thanh Nga
Thập niên 60 – 70, nhắc đến Thanh Nga, không ai không biết đến tên tuổi của một nữ nghệ sĩ với nhan sắc và tài năng thuộc hàng bậc nhất ở Sài Gòn. Nét đẹp sang trọng, quý phái và đậm chất Á Đông của bà luôn khiến những người mộ điệu phải trầm trồ khen ngợi.
Cố Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, con gái của trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ nhỏ bà đã được thừa hưởng tố chất của một người nghệ sĩ. Cái tên Thanh Nga đã là một “tượng đài” trong nghệ thuật cải lương của Việt Nam.
Những năm 1960 – 1970, Thanh Nga được coi là “nữ hoàng” trên sân khấu cải lương miền Nam. Bà từng đoạt giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya.
Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương…
Ngoài cải lương, Thanh Nga tham gia phim ảnh nhiều là từ năm 1969, bà trở thành một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á châu tại Đài Bắc năm 1971, giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1974 cũng tại Đài Bắc (Đài Loan) với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều, là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969.
Nghệ sĩ ra đi vĩnh viễn ở tuổi 36 vì bị sát hại khi đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga gặp bi kịch vào ngày 26/11/1978. Tối đó, họ cùng con trai và vệ sĩ riêng vừa đỗ xe trước cổng nhà thì có hai kẻ lạ mặt xuất hiện. Chúng dùng súng ngắn khống chế vệ sĩ và vợ chồng bà với ý định bắt Hà Linh. Thanh Nga phản ứng dữ dội, bà kiên quyết giấu con trai sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Không thực hiện được mục đích, hai kẻ đó giết chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga rồi lên xe bỏ trốn.