SG Ky Uc

Vấn đề “kiểm duyệt nhạc” gắt gao ở Sài Gòn xưa trước qua lời kể của nhạc sĩ Song Ngọc 60 năm trước _sgx-s1

👉 Chú ý: Quý vị lướt xuống dưới bài thấy ô “See Full Article” màu xanh, thì bấm vào nút ấy để xem đầy đủ nội dung bài viết nhé. Xin cảm ơn !

Bài phỏng vấn nhạc sĩ Song Ngọc sau đây được nhà báo Nguyễn Ngu Í thực hiện trong những ngày cuối năm 1963, đăng trên bán nguyệt san Bắch Khoa ngày 1/1/1964, cách đây tròn 60 năm, vào thời điểm Sài Gòn vừa mới trải qua cuộc binh biến 1/11/1963, làm thay đổi không chỉ về mặt chính trị, mà ảnh hưởng sâu rộng tới cả sinh hoạt văn nghệ của miền Nam. Sự thay đổi đó được nhắc tới phần nào qua bài phỏng vấn này.

Khí đó nhạc sĩ Song Ngọc chỉ mới vừa tròn 20 tuổi, nhưng đã là Thiếu úy, nhiều lần ra chốn sa trường, và đã sáng tác vài chục ca khúc được nhiều người yêu mến. Thành công đối với ông tới rất sớm: 13 tuổi đã có tác phẩm phát trên đài phát thanh, sau đó nhập ngũ và trở thành sĩ quan. Sáng tác nhạc không vì mưu sinh, nên những nhạc phẩm của ông đều là những cảm xúc thật, hoàn cảnh thật, như ông tâm sự như sau với nhà báo:

Lúc nhỏ, tôi ham đủ thứ, anh à. Vẽ này, làm thơ này, đờn ca này. Nhưng rồi âm nhạc lấn mạnh hội họa và thi ca. Tôi học với bạn, với thầy, rồi với sách. Tôi say sưa sáng tác, và năm 13 tuổi, khi một anh trưởng Ban tân nhạc ở đài phát thanh hứa tuần tới sẽ cho trình bày một trong mấy bản nhạc tôi gởi anh xem từ lâu, là tôi sướng như lên tiên! Tôi về nhà, khoe ầm cả lên, và đúng ngày, đúng giờ, tôi kéo chị tôi lại cạnh radio, để chia sẻ cùng tôi cái vui lần thứ nhất được nghe nhạc phẩm mình được trình bày trên làn sóng điện. Nhưng rồi giờ dành cho phần tân nhạc ấy qua, mà tác phẩm của tôi chẳng thấy; chị tôi chế tôi làm tôi khóc cả giờ. Vừa tức vừa tẽn, tôi không buồn chạy tìm anh trưởng ban nọ để hỏi, hay để trách móc, phàn nàn. Qua tần sau, vào giờ ấy, tôi lén vặn radio nho nhỏ để nghe. Thì như để bù lại, ban nhạc ấy trình bày một lần hai bản của tôi. Chẳng nói anh cũng rõ hôm đó tôi “lên mặt” với chị tôi như thế nào!

Và tôi đọc được ở trong mắt sáng của anh niềm hân hoan của 7 năm về trước.

Anh hỏi tôi sáng tác ra sao? Theo tùy hứng, anh à. Tới giờ, tôi may mắn không sống bằng nhạc phẩm, nhờ thế mà mình khỏi vướng cái bực mà một số anh em cùng nghiệp với tôi mắc phải: làm những bản nhạc theo đường lối này, theo chiều hướng nọ, những đường lối, những chiều hướng mà mình không tán thành, mới chết!

Tôi, thì có hứng tôi mới sáng tác. Những gì tôi cảm thật, nghĩ thật, thấy thật, tôi mới phổ vào điệu nhạc, lời ca. Có khi tôi sáng tác một dây không ngừng; có khi tôi không viết được dòng nhạc nào trong mấy tháng.

Có lẽ vì cái “chất thật” ấy mà lớp người cùng lứa với tôi đã đón tiếp các bài hát của tôi một cách khá nồng nàn.

Anh nói, và ánh mắt, nét mặt, cử chỉ phụ lực cho lời, khiến người nghe có cảm giác đứng trước một dòng thác mạnh. Tôi đặt ly nước chanh tươi xuống bàn, hỏi anh, có phần đột ngột:

– Bóng dáng giai nhân hẳn đã nhiều lần là động cơ thúc đẩy anh sáng tác?

Anh nhìn tôi, không giấu được ngạc nhiên:

Đúng vậy. Nhưng sao anh biết?

– Tôi biết vì anh nói…

Tôi nói hồi nào đâu? Mình mới trò chuyện đây mà, và chưa tới mục đàn bà!

– Anh nói, đâu phải bằng miệng, mà bằng cả con người. Con người anh tràn trề sức sống, gương mặt hào hoa… thì tránh sao khỏi người khác phái làm rộn làm phiền và gợi hứng cho anh!

Gương mặt thư sinh của anh đỏ dần:

Chẳng giấu gì anh, tôi đã gặp khá nhiều ngang trái ở mối tình đầu. Và nguồn nhạc trong tôi được khơi mạnh do mối tình dang dở này. Rồi vài bóng dáng yêu kiều sau đó đi ngang qua đời tôi và để lại trong lòng tôi những dấu vết khó phai. Chắc anh không nỡ trách tôi sao thường tìm nguồn cảm hứng ở yêu đương. Vì anh đã rõ, tôi chủ trương mình phải thật với mình, mà tôi đang độ trẻ trung, điều làm tôi bận tâm nhất là tình yêu. Thực ra trong tôi cũng còn có những thứ tình khác: ghét bất công, hận kẻ thù, mơ một xã hội đại đồng… nhưng tôi hiện còn non dại, những thứ tình ấy chưa đậm, chưa sâu, tôi có nói đến thì cũng hời hợt, làm sao cảm được người.

Có lần, một bản nhạc tôi bị cấm. Người ta bảo tôi sửa lời một vài chỗ, thì người ta cho phổ biến lại. Tôi đã đáp lại rằng nếu sửa lại như thế, thì đó chẳng phải là những cảm nghĩ của tôi trong lúc đó. Vậy thì phổ biến những điều vốn không phải của tôi, thì tốt hơn là để nó nằm yên.

À, nói đến chuyện phổ biến bài hát, tôi nhớ đến sự khắt khe của những người trong ban kiểm duyệt nhạc. Tôi từng có một bản đề tài là sự chia ly giữa các bạn học cùng trường, khi niên học hết. Bản này bị cấm, người ta cho nó ủy mị, làm mất lòng hăng hái của tuổi trẻ… Anh nghĩ coi luận điệu đó có vững không. Học trò chia tay, thì cấm người ta quyến luyến, buồn rầu! Thật là gắt gao “hết chỗ nói”, mà cũng vô lý “hết chỗ chê”. Bảo sao nền tân nhạc lúc sau này chẳng làm thất vọng những ai kỳ vọng nơi nó.

– Nhưng mà thời thế đã đổi thay…

Thì tôi cũng như các bạn cùng giới mong mỏi sẽ có sự thay đổi trong việc kiểm duyệt nhạc. Ít nhất là nhà cầm quyền cũng đối xử với Nhạc ngang với Thơ. Có lắm tập thơ kể lể rặt “chuyện chúng mình”, có những bài thơ nhớ nhung da diết, kể lể não nùng, làm người đọc rớt nước mắt được, thế mà vẫn được phép xuất bản, được phép phổ biến trên báo, trên làn sóng điện.

Trong giới nhà binh chúng tôi, kỷ luật gắt là như thế, mà sau ngày 1 tháng 11, cũng đã cởi mở nhiều, không khí dễ thở hơn trước, thì chắc rằng, sớm muộn thể thức kiểm duyệt nhạc sẽ “dễ chịu” hơn, để người trong giới chúng tôi có thể phụng sự nghệ thuật một cách chân thành và vui vẻ.

– Anh lấy đề tài tình yêu nhiều, vậy chẳng hay anh ưng ý sáng tác nào nhất.

Sáng tác tôi ưng ý nhất, chưa được chào đời. Đó là một tập nhạc tên là “Lối vào hoa mộng” gồm có bảy bản tình ca.

Anh bỗng nhìn tôi cười tủm tỉm:

Anh có muốn xuất bản không? Tôi chẳng lấy tác quyền đâu. Nói thật với anh đấy. Vì lấy tiền bản quyền, là mất đi tánh cách tinh khiết của công trinhg này. Tôi chỉ mong nó được chào đời. Được vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi, không đòi hỏi chi nữa cả. Cho nhẹ bớt tâm tư. Anh cảm thông với tôi rồi chớ?

Tôi gật đầu, rồi nói:

– Tiếc rằng tôi không thể nhận lời anh. Nhưng tôi tin rằng nếu các nhà xuất bản nhạc mà hay đề nghị của anh, thì họ sẽ tìm anh ngay!

Mà này, anh cho biết anh nghĩ sao về một số bạn nhạc sĩ mới vào nghề lớn tiếng trách lớp đàn anh ích kỷ chặn đường lấp ngõ?

Đôi mày thanh tú của anh nhíu lại.

Các bạn ấy có lý do một phần nào, một phần ít thật là ít. Nhưng trước khi buộc tội người, thử hỏi các bạn ấy đã bình tĩnh xét tác phẩm của mình một cách kỹ càng chưa. Người ta không chịu hát bài ca mình…, mà mình đã học hỏi tới nơi tới chốn chưa, có sáng tác chân thành không, nghĩa là tác phẩm mình quả có giá trị thật chưa? Người thì ai lại chẳng chủ quan – nhất là khi mình còn trẻ – thì dễ bề thiên lệch khi đánh giá trị công trình sáng tác của mình lắm.

Tôi từng trải qua cái “ảo” này, nên mới nói thế. Có những bản nhạc tôi cho là có một giá trị đặc biệt, mà rồi một năm sau, xem lại, thấy vụng về, non nớt, và mình lại mắc cỡ cho mình không hiểu sao mình lại “suy tôn” một quái thai như thế. Cho nên tôi nghĩ các bạn trẻ mới bước chân vào nghề đừng vội bi quan hoặc chua chát khi thấy những đứa con tinh thần của mình bị người ta xem thường. Chỉ sợ tác phẩm của mình là những đứa con non ngày non tháng, chớ nếu quả chúng có giá trị thật sự, thì dầu ai có rào trước cản sau, không chóng thì chầy, nó cũng “xé rào” mà trình diện với đồng bào.

Anh ngừng nói, mân mê tách cà phê chưa vơi một hớp.

Tôi hồi nãy có một điều muốn nói với anh, mà quên ngang, bây giờ mới nhớ lại. Đó là cái “chất ủy mị trong lời ca” mà người có trách nhiệm kiểm duyệt nhạc ở chế độ cũ thường vị vào đó để làm khó dễ nhạc sĩ sáng tác. Nhưng khổ một nỗi là người ta quên tánh chất của bản nhạc! Bản nhạc buồn, mà lời ca làm sao hùng dũng cho được. Có khác nào hát người ta vui nhộn trong một đám tang! Có lần tôi cầm súng gác ở một nơi rừng núi miền cao nguyên. Lúc đó tôi không muốn nghe những khúc quân hành, những điệu ca hùng mạnh. Tôi thấy ngấy chúng. Mà lại khe khẽ hát những bài êm buồn, nhớ đô thị dưới kia, thương người yêu lẻ bóng sầu nỗi biệt ly… và trái ngược thay, chính trong những lúc để cái “chất ủy mị” ấy tràn ngập tâm hồn, tôi sao cảm thấy nếu quân thù dẫn xác đến, tôi sẽ say sưa chiến đấu cho đến cùng để bảo vệ người yêu xa, đô thị cũ mà mình tha thiết mến thương. Cho nên tôi ước mong sao nghệ thuật sẽ không bị lợi dụng và lạm dụng và người nghệ sĩ sẽ được thành thật với chính mình, nói thẳng tiếng nói của lòng mình, đừng lâm vào cảnh bụng mong ước Trắng, mà miệng thì không ngớt ngợi ca Đen!

Anh chớp mắt, nhìn ra đường sáng chói chang. Ly nước chanh tôi đã cạn, còn tách cà phê của anh vẫn đầy như mới chế, nhưng đã nguội lạnh tự bao giờ.

Nguiễn Ngu Í thực hiện – Bán nguyệt san Bách Khoa